Gắn kỷ cương, kỷ luật vào nhiệm vụ cụ thể

Gắn kỷ cương, kỷ luật với những nhiệm vụ cụ thể, nhất là với những việc mới, việc khó để tạo chuyển biến. Đó là giải pháp huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang thực hiện nhằm cụ thể hóa mục tiêu thành quận trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2022, Ủy ban nhân dân thị trấn Văn Điển đứng áp chót bảng xếp hạng của huyện Thanh Trì về công tác cải cách hành chính, vì người dân có ý kiến về công tác tư pháp-hộ tịch. Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân thị trấn quyết tâm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Từ khi có Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, thị trấn càng chú trọng làm tốt cải cách hành chính. “Sự hài lòng của người dân được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là tại bộ phận “một cửa” phải nỗ lực phục vụ người dân”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Nguyễn Thị Hương cho biết.

Cùng với việc nâng cao trách nhiệm thực thi, đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều giải pháp khác cũng được triển khai, như mô hình “Ngày thứ 5, thứ 7 xung kích số”, hỗ trợ người già yếu tại nhà, mô hình trả thủ tục trong 24 giờ để người dân không phải chờ đợi, đi lại nhiều lần. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn cho biết, khi mới triển khai, lúc đầu cán bộ cho rằng “lãnh đạo nguyên tắc”, nhưng “chúng tôi chấp nhận “mang tiếng” để cải cách hành chính đi vào nền nếp”. Năm 2023, chỉ số xếp hạng của thị trấn được cải thiện và năm 2024 nằm trong tốp đầu của huyện.

Nhiều lĩnh vực khác tại huyện Thanh Trì cũng có chuyển biến khi thực hiện Chỉ thị số 24. Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch thực hiện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện Chỉ thị, tạo bước chuyển sâu sắc, rõ nét, hiệu quả về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị huyện. Hằng tuần, các cơ quan, đơn vị đều phải xây dựng lịch làm việc với tiến độ cụ thể, để cuối tháng làm căn cứ đánh giá cán bộ.

Năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định, kế hoạch và triển khai ba đoàn kiểm tra đối với sáu tổ chức đảng và sáu đảng viên về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24. Kết quả kiểm tra đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế của từng chi bộ, đảng bộ, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì cho biết, đối với công tác cán bộ, huyện đã luân chuyển, điều động 12 đồng chí bí thư đảng ủy, 10 đồng chí chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải người địa phương, đạt tỷ lệ 68,75%; 16 trong số 30 phó chủ tịch UBND xã, thị trấn không là người địa phương, 16 đồng chí ủy viên ban thường vụ, trưởng công an xã không là người địa phương. “Việc luân chuyển không chờ đủ thời gian theo quy định mà căn cứ theo hiệu quả công việc. Vừa qua, huyện đã luân chuyển một số trường hợp qua đánh giá chưa có chuyển biến trong thực thi nhiệm vụ; có cán bộ đang từ cấp trưởng chuyển sang đơn vị khác làm cấp phó. Hoặc cũng có đồng chí tự thấy không đáp ứng yêu cầu đã chủ động xin chuyển đổi công tác cho phù hợp chuyên môn”, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết.

Huyện Thanh Trì cũng đang quyết tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, huyện đang triển khai 47 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm trên địa bàn, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ giải ngân của các dự án trọng điểm như: Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường 1A đoạn qua các xã của huyện Thanh Trì, xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì (giai đoạn 2), dự án xây dựng hạ tầng các khu đấu giá quyền sử dụng đất...

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, xã thành phường gắn với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay tất cả 15 xã trên địa bàn huyện được công nhận chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021-2025. Tháng 10/2024, huyện Thanh Trì đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. “Huyện đã đạt 33 trong số 34 tiêu chuẩn thành lập quận và đang nỗ lực để đạt tiêu chuẩn còn lại về thu, chi ngân sách nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành quận”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cường khẳng định.