Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mê Linh Chu Thị Hậu cho biết, hiện huyện có hơn 1.800 doanh nghiệp; 81 hợp tác xã, hơn 10 nghìn hộ kinh doanh cá thể. Công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của huyện thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức các hội nghị, các buổi tập huấn, các cuộc sinh hoạt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện tới cơ sở; tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng biên soạn đưa nội dung tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử huyện, trang fanpage của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội huyện, thiết lập các nhóm Zalo...
Các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các sản phẩm OCOP của huyện cũng được chú trọng, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các hội chợ, lễ hội như lễ hội hoa Mê Linh… Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện đã hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, tham gia Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”; hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng mã QR in trên tem chống hàng giả để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không bị nhầm lẫn với hàng giả, hàng nhái.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hồng cho biết, năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Đến nay, huyện có hơn 104 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Riêng trong năm 2024, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm mới. Thông qua cuộc vận động, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, bảo đảm hơn. Cuộc vận động đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình xây dựng huyện giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mê Linh cho biết, hiện nay, ngoài rau và hoa, thêm một số thương hiệu của Mê Linh được người dân biết đến như chả cốm, trà sen... Sắp tới, huyện sẽ tổ chức Festival hoa Mê Linh lần thứ hai để quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm đặc sắc của địa phương.
Mới đây, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tại huyện Mê Linh. Đồng chí đề nghị huyện Mê Linh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào ba đối tượng: tuyên truyền về tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, để người dân hiểu, quan tâm ủng hộ sử dụng, tiêu dùng hàng Việt; tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng qua nâng cao chất lượng sản phẩm; cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, đi đầu thực hiện cuộc vận động.
Bên cạnh đó, huyện cần có giải pháp kết nối cung-cầu; đẩy mạnh thiết lập các kênh phân phối mới như thương mại điện tử; có giải pháp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp.