Những ngày này, người dân xã Minh Quang, huyện Ba Vì rất phấn khởi khi được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Ông Chu Văn Mạnh, người dân xã Minh Quang chia sẻ, xã có diện tích tự nhiên lớn, với hơn 2.800 ha; hơn 3.400 hộ dân sinh sống tại 15 thôn và có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Xã vốn có địa hình rộng, hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là hệ thống đường giao thông.
Tuy nhiên, từ ngày thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được hơn 655 tỷ đồng thực hiện chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả xuất hiện, mang lại thu nhập khá cho người dân, như sản xuất miến dong ở thôn Minh Hồng, trồng rau ở thôn Xuân Thọ…
Đại diện Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, trước đây, Minh Quang là một trong bảy xã miền núi của huyện Ba Vì, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Hạ tầng nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng chú ý, quá trình xây dựng nông thôn mới được triển khai dân chủ, công khai, minh bạch. Người dân rất đồng tình ủng hộ xây dựng nông thôn mới, cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. Đến nay, các hộ dân đều có nhà ở kiên cố, không còn nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm và xã không còn hộ nghèo.
Trong dịp này, cùng với công nhận xã Minh Quang đủ điều kiện xã nông thôn mới nâng cao, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội công nhận các xã Sơn Đà, Phong Vân và Vạn Thắng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bảy xã miền núi của huyện được đầu tư 87 dự án phát triển hạ tầng nông thôn, với tổng nguồn vốn hơn 1.350 tỷ đồng. Các chương trình, dự án đầu tư triển khai dân chủ, minh bạch, chất lượng, được người dân đồng tình ủng hộ.
Từ đó, người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất ở, tham gia hàng chục nghìn ngày công xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn thu hút đông đảo người dân tham gia. Diện mạo nông thôn các xã miền núi ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp cho biết, Ba Vì có bảy xã miền núi, nơi sinh sống tập trung của gần 29.500 người thuộc 23 thành phần dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao...
Đến nay 100% số thôn ở bảy xã miền núi của huyện có đường bê-tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% số hộ dân dùng điện lưới quốc gia, 94% số trường học và 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia… Các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của người dân bảy xã miền núi Ba Vì đạt 60 triệu đồng/năm, tăng 22 triệu đồng so với năm 2019...
Dự kiến năm 2024, thu nhập bình quân của người dân bảy xã miền núi đạt khoảng 67 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,4%, tương đương 80 hộ dân. Khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của người dân các xã miền núi so với các xã vùng đồng bằng ngày càng thu hẹp.
Huyện Ba Vì đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo; năm 2025, bảy xã miền núi đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến hết năm 2029, có từ hai đến ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số gia đình được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 98% số hộ dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở mức dưới 4%...