Quyết liệt xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ gây lãng phí

Bài 1: Tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước vừa thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí của thành phố Hà Nội theo từng ngành, lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình Dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thi công dang dở.
Công trình Dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thi công dang dở.

Từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 2021 đến nay, thành phố Hà Nội đã tập trung phòng chống lãng phí. Thành phố tiến hành rà soát 712 dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội, tài nguyên đất đai. Qua đó nhiều dự án gặp khó khăn được tháo gỡ, vận hành lại, nhiều dự án không thể triển khai đã bị thu hồi.

Trước thực trạng nhiều dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, đầu năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận đối với từng dự án cụ thể.

Thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát số lượng và tổ chức xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với 712 dự án. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến tháng 7/2024, có 705 dự án (chiếm 99% tổng số dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào sử dụng. Bảy dự án với tổng diện tích 88,5 ha đất, đã có quyết định chủ trương, nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

Cụ thể, đối với 404 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án với tổng diện tích 1.951,7 ha đất được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật. 208 dự án với tổng diện tích hơn 1.225 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng là dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật.

73 dự án với tổng diện tích gần 126 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. 135 dự án với tổng diện tích gần 1.100 ha đất, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, Ủy ban nhân dân thành phố giao các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.

Về kết quả xử lý đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, có 134 dự án với tổng diện tích 1.253 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; một dự án với diện tích 6,9ha đất đang tiếp tục rà soát để xem xét phương án xử lý theo quy định. 37 dự án với tổng diện tích 205 ha đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. 50 dự án với tổng diện tích hơn 825 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án…

Mặc dù đạt kết quả tích cực, nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, tiến độ xử lý các dự án chậm triển khai còn chậm so với yêu cầu do số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp. Chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật… Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, bảo đảm tính chính xác, khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật.

(Còn nữa)