Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản về việc đôn đốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Cụ thể, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, cơ quan này đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau.
Đến ngày 12/9/2024, còn 5 địa phương là Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Dương và Hậu Giang chưa ban hành và gửi Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024.
Trước hết, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 (Công văn số 87/LĐTBXH-VPQGGN ngày 8/1/2024 về việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2024; Công văn số 1935/BLĐTBXH-VPQGGN ngày 10/5/2024 về việc hướng dẫn các địa phương rà soát và gửi dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024; Công văn số 2392/BLĐTBXH-VPQGGN ngày 6/6/2024 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình năm 2024).
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm thực hiện từ ngày 1/9 mỗi năm. Đến ngày 12/9/2024, còn 5 địa phương là Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Dương và Hậu Giang chưa ban hành và gửi Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Do đó, cần khẩn trương gửi kế hoạch về Bộ để tổng hợp theo quy định.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương kịp thời điều chỉnh chuyển vốn từ các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung hoạt động không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ, nội dung có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Đối với các nhiệm vụ, nội dung, dự án đã hoàn thành đề nghị thực hiện ngay việc nghiệm thu, thanh lý, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024, ngày 6/9/2024. (Ảnh: CÔNG HẬU - LÊ CƯỜNG) |
Đối với 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 22/7/2024 công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.
16 tỉnh có huyện nghèo được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 rà soát, tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu, nội dung trong Kế hoạch thực hiện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức rà soát, đánh giá đối với các huyện nghèo trên địa bàn, trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương và bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định, đặc biệt là 5 tỉnh có tỷ lệ vốn đối ứng thấp, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình.
Đối với 12 địa phương có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 576/QĐ-TTg ngày 28/6/2024 công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc trở thành phường, thị trấn để báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương và bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định, đặc biệt là 5 tỉnh có tỷ lệ vốn đối ứng thấp, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định tại Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%).
Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía tây của đất nước, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định xã hội, an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, vùng “lõi nghèo”, khu vực trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo theo quy định; phân bổ đủ vốn năm 2024 của Chương trình cho các địa phương. Cụ thể, đến hết ngày 31/5/2024, giải ngân vốn đầu tư phát triển của các địa phương được 1.471 tỷ đồng, đạt 21,09%.
Ngày 28/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 576/QĐ-TTg công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đưa ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 xã: Xã Điền Hương và xã Phong Chương thuộc huyện Phong Điền, xã Phú Diên thuộc huyện Phú Vang.
Tỉnh Long An có 1 xã: Xã Phước Vĩnh Đông thuộc huyện Cần Giuộc.
Tỉnh Bến Tre có 4 xã: Xã An Thuận, xã Bình Thạnh và xã Mỹ Hưng thuộc huyện Thạnh Phú, xã An Thủy (nay là thị trấn Tiệm Tôm) thuộc huyện Ba Tri.
Tỉnh Sóc Trăng có 1 xã: Xã Nhơn Mỹ thuộc huyện Kế Sách.
Ngày 22/7/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, và là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, tỷ lệ này ở A Lưới đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của địa phương đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã được đầu tư, các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cộng đồng.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện cuối năm 2021 là 27,5 triệu/người/năm, đến cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu/người/năm, tăng 7,2 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến cuối năm 2024 là hơn 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.
Đồng thời, vào ngày 16/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 656/QĐ-TTg thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Quỹ được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
Quỹ sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
Các địa phương chưa bố trí đủ vốn đối ứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 (tính đến tháng 9/2024)
- 5 địa phương có tỷ lệ vốn đối ứng thấp: Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Long An.
- 10 địa phương chưa bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định: Thái Nguyên, Sơn La, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)