Hà Giang tập trung giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

NDO - Đến cuối tháng 9, tỉnh Hà Giang giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hơn 41% kế hoạch vốn năm 2024. Hiện nay, các ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm đạt kết quả giải ngân cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Hứa Văn Toàn, thôn Nà Lách, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ mua giống ngựa về chăn nuôi.
Anh Hứa Văn Toàn, thôn Nà Lách, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ mua giống ngựa về chăn nuôi.

Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 1.205 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 623 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 582 tỷ đồng (bao gồm cả vốn chuyển nguồn năm 2023 sang thực hiện năm 2024).

Với nguồn kinh phí được giao, tỉnh Hà Giang thực hiện đầu tư 53 công trình chuyển tiếp cấp huyện, liên xã; khởi công mới 4 công trình; thực hiện duy tu 30 công trình cấp xã. Cùng với đó đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho 2 trường trung cấp và cao đẳng nghề của tỉnh.

Các địa phương cũng đã phê duyệt các dự án phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, triển khai làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Đến hết tháng 9, đã phê duyệt được 225 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 5.524 hộ hưởng lợi; hỗ trợ 2.767 hộ làm nhà ở tại 7 huyện nghèo.

Hà Giang tập trung giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ảnh 2

Nhiều hộ dân ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được hỗ trợ xóa nhà tạm từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai quyết liệt các chính sách giảm nghèo khác. Trong đó có chính sách bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như các chính sách về giải quyết việc làm, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hiện hành và nguồn xã hội hóa. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đã giúp người nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình, các địa phương cũng gặp khó khăn. Nổi bật như trong việc lập các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều địa phương gặp rất khó khăn trong việc lựa chọn các đơn vị (hợp tác xã) đứng ra chủ trì thực hiện.

Bên cạnh đó, các xã vẫn còn lúng túng trong việc đề xuất các mô hình dự án cộng đồng, hầu hết đều phải xây dựng dự án thay cho nhóm cộng đồng. Dẫn đến tiến độ phê duyệt dự án chậm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Một số dự án, tiểu dự án chậm giải ngân vốn do liên quan tiến độ như khối lượng công trình được đầu tư; công tác mua sắm vật tư, thiết bị phải thực hiện đấu thầu theo quy định. Một số nội dung hỗ trợ trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, dẫn đến không giải ngân hết nguồn vốn, phải đề nghị điều chỉnh, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp đào tạo nghề cho người lao động.

Từ những khó khăn, vướng mắc đó dẫn đến tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Hà Giang bị ảnh hưởng, tiến độ giải ngân còn chậm, đến cuối tháng 9 mới đạt hơn 41 kế hoạch cả năm, ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đề ra trong năm.

Hà Giang tập trung giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ảnh 3

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang kiểm tra việc sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi tại xã Cán Chu Phìn.

Từ thực tế đó, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các huyện tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm nhằm đạt kết quả giải ngân cao nhất.

Theo đó, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, lựa chọn đối tượng, nội dung và định mức hỗ trợ phù hợp để hoàn thiện các dự án hỗ trợ sản xuất trình các huyện phê duyệt. Các huyện rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2024 không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân theo quy định, dự kiến chuyển sang thực hiện các dự án thành phần khác có báo cáo cơ quan chủ quản chương trình để tham mưu cho tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh.

Chính quyền cơ sở tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2024, thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2025; đồng thời quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở cơ sở.