Hỗ trợ đúng nhu cầu
Trên địa bàn huyện Lạng Giang, mỗi hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đều có nguyên nhân, lý do riêng dẫn đến tình trạng đó. Nhiều gia đình vì trong nhà có thành viên sức khỏe kém thường xuyên phải đi viện hoặc có thành viên không có việc làm, số khác vì rủi ro, bệnh tật hoặc thiếu vốn sản xuất… Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và xác định hướng hỗ trợ đúng nhu cầu, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của người nghèo là yếu tố quyết định để giúp họ thoát nghèo.
Gia đình anh Hà Văn Diện (sinh năm 1990) ở thôn Chung (Tân Thanh) trước đây là hộ nghèo vì nuôi hai con nhỏ, vợ chồng không có việc làm ổn định, thiếu tư liệu sản xuất. Thấy được nhu cầu vay vốn của gia đình anh, thôn và xã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để anh được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Từ số vốn này, anh đầu tư cải tạo vườn cây ăn quả, nuôi lợn sinh sản tìm cách thoát nghèo. Anh Diện nói: “Nhờ có nguồn vốn vay, tôi có điều kiện để sản xuất ngay tại gia đình. Cùng đó, tôi tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm thêm nghề thợ xây, vợ đi làm công nhân. Sau hơn 5 năm, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, kinh tế ổn định, các con được học hành đầy đủ, tôi dự tính xây lại ngôi nhà để có chỗ ở kiên cố, khang trang”.
Qua rà soát, trên địa bàn xã Tân Thanh hiện còn 71 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,54%) và 75 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,68%). Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, xã lựa chọn và tập trung thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Xã chú trọng việc công khai, minh bạch, đồng bộ các chính sách, chế độ cho hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình giảm nghèo để người nghèo nắm và hiểu được, có thêm động lực thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã đã tiếp nhận và giúp 6 hộ nghèo về con giống chăn nuôi. Hiện, dư nợ tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã là hơn 10 tỷ đồng…
Cũng với việc hỗ trợ đúng những gì người nghèo cần, xã An Hà tìm hiểu và nhận thấy mô hình chăn nuôi bò sinh sản là cách giảm nghèo sát với điều kiện thực tế của các hộ.
Gia đình ông Đồng Phú Mão (sinh năm1951) ở thôn Mia là hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vợ ông mất do bệnh, ông lớn tuổi nhưng vẫn chăm nuôi cô con gái nhận thức không được bình thường, chỉ quanh quẩn ở nhà. Xã đề nghị huyện để hỗ trợ gia đình một con bò sinh sản giúp ông và con gái đều có thể chăn thả ở đồng bãi, vườn nhà.
Sau hơn một năm, bò sinh trưởng tốt, thấy được lợi ích từ chăn nuôi, ông dùng tiền tiết kiệm, tích cóp và vay mượn từ người thân để mua thêm vài con nữa, tạo thành đàn bò của gia đình, hứa hẹn sẽ giúp cuộc sống của hai cha con bớt khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao ở Lạng Giang
Nhờ linh hoạt, đa dạng trong thực hiện giảm nghèo bền vững mà số hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo là 3,29% thì năm 2023 còn 2,24% và dự kiến năm 2024 giảm chỉ còn 1,36%. Nhìn chung, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đúng yêu cầu.
Sát cánh với người nghèo
Năm nay, huyện Lạng Giang được phân bổ hơn 4,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; tính đến cuối tháng 9, toàn huyện giải ngân được gần 3,8 tỷ đồng, đạt hơn 78% kế hoạch vốn giao. Số kinh phí này được sử dụng để cụ thể hóa các dự án, mang lại nguồn hỗ trợ lớn cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Gia đình anh Hà Văn Diện ở thôn Chung, xã Tân Thanh, vay vốn cải tạo vườn cây ăn quả, đầu tư sản xuất đến nay đã thoát nghèo. |
Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, đến nay, trên địa bàn huyện có 25 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững gồm chăn nuôi bò sinh sản, gà, trồng hoa, lúa giống mới...
Huyện hỗ trợ cho các hộ nghèo 153 con bò giống sinh sản; 6,4 nghìn con gà giống và các loại giống hoa, lúa, vật tư nông nghiệp khác. Tổng số hộ tham gia vào các mô hình, dự án phát triển sản xuất hơn 600 gia đình, trong đó có hơn 300 hộ nghèo, hơn 220 hộ cận nghèo và hàng chục hộ mới thoát nghèo…
Đến nay, trên địa bàn huyện có 25 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững gồm chăn nuôi bò sinh sản, gà, trồng hoa, lúa giống mới...
Sau quá trình tham gia các dự án giảm nghèo, thấy được hiệu quả kinh tế, các hộ nghèo, cận nghèo đánh giá cao, nhiệt tình hưởng ứng, thay đổi tâm thế vươn lên thoát nghèo. Các hộ khi được khảo sát đều cho rằng mô hình chăn nuôi phù hợp với khí hậu cũng như phong tục sản xuất, canh tác nông nghiệp tại địa phương. Chính những mô hình này đã giúp một bộ phận hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang cho biết, từ kết quả trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên cũng như người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng chương trình giảm nghèo.
Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; cùng đó nhân rộng mô hình giảm nghèo để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,9%.