Các em học sinh rất thích thú học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.
Các em học sinh rất thích thú học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An

Trước năm 2020, môn tiếng Anh vẫn được xem là “điểm trũng” ở đất học Nghệ An. Sau gần bốn năm thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt Đề án), chất lượng dạy và học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét; làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về học và sử dụng tiếng Anh.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, 14 trường học các cấp đã triển khai đề án “Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030” với 132 lớp và hơn 4.200 học sinh tham gia cũng đã góp phần vào nâng cao chất lượng dạy-học tiếng Anh ở “vùng trũng” Nghệ An

Luồng gió mới

Năm 2019, từ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, được phân công làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành luôn trăn trở: Nghệ An được biết đến là vùng đất học và luôn nằm trong tốp đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn. Tuy vậy, giáo dục Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc dạy-học tiếng Anh, đặc biệt ở vùng miền núi. Nghệ An được xem là “điểm trũng” về tiếng Anh. Trình độ và năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An ảnh 1

Giờ học tiếng Anh ở Trường Tiểu học Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn.

Trước tình hình đó, Giám đốc Thái Văn Thành cùng lãnh đạo ngành giáo dục đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021, Đề án như “luồng gió mới” thúc đẩy việc dạy-học tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh.

Mặc dù trong quá trình triển khai, gặp nhiều khó khăn, nhưng sau gần bốn năm thực hiện Đề án, chất lượng dạy-học tiếng Anh trong các nhà trường bước đầu có nhiều tiến bộ. Các trường học đã thay đổi cách dạy-học; hướng đến việc đào tạo với đủ kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết; có cam kết đầu ra theo chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế sau khi tốt nghiệp từng cấp học. Đây cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng trường phổ thông tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Ngành giáo dục đã quan tâm bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh. Tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho hơn 2.600 giáo viên tiếng Anh; xây dựng lộ trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế; Đã tiến hành đào tạo lại hàng trăm giáo viên tiếng Anh chuẩn theo hướng quốc tế với IELTS từ 7.0 trở lên...

Nhờ đó, kết quả, thi tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình lần đầu tiên đạt trên 5 điểm. Từ năm 2020 đến nay, nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn tiếng Anh và trong các cuộc thi cấp quốc gia khác; năm sau cao hơn năm trước.

Số học sinh lớp 12 được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được tuyển thẳng vào các trường đại học, tăng đột biến khi năm 2020 chỉ có 175 học sinh nhưng đến năm 2023 đã tăng vọt lên 1.012 học sinh…

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An ảnh 2

Học tiếng Anh giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp.

Là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Nghệ An về giáo dục mũi nhọn, trong đó có môn tiếng Anh, trong những năm qua, năng lực ngoại ngữ của học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu có bước bứt phá rõ rệt. Điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020-2021 là 9,01 trong khi điểm trung bình của toàn tỉnh là 4,94. Nhiều em đạt điểm cao trong các kỳ thi IELTS, TOEFL, SAT…

Để đạt được kết quả trên, cô Cao Thị Lan Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhà trường đã không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy của giáo viên; chú trọng kỹ năng nghe-nói cho học sinh. Phân luồng học sinh, dạy ngoại ngữ theo trình độ. Triển khai học ngoại ngữ với người bản ngữ. Thực hiện dạy song ngữ các môn tự nhiên ở lớp chuyên ngoại ngữ; triển khai dạy học ngoại ngữ hai cho lớp chuyên: Nga-Anh, Anh-Nhật.

Nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ; luôn đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các câu lạc bộ ngoại ngữ để tạo sân chơi và truyền cảm hứng học cho các em. Trường còn phối hợp với các trường đại học lớn trong và ngoài nước, các trung tâm ngoại ngữ có uy tín tổ chức thi ngoại ngữ và sát hạch học bổng du học cho học sinh...

Là một trong 14 trường được chọn thí điểm xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2030, Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng ở thành phố Vinh đã triển khai thí điểm năm lớp tiên tiến đầu tiên từ năm học 2022-2023. Đến nay, nhà trường hiện có 10 lớp với gần 400 học sinh. Do đó, chất lượng dạy-học tiếng Anh ngày càng cải thiện.

Cách đây hai năm, điểm trúng tuyển đầu vào lớp 10 chuyên Anh chỉ cần IELTS 4.5 điểm thì năm học 2023-2024 là 6.0 điểm. Điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn xếp vào tốp đầu của tỉnh.

Thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng

Thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Cách đây hai năm, điểm trúng tuyển đầu vào lớp 10 chuyên Anh chỉ cần IELTS 4.5 điểm thì năm học 2023-2024 là 6.0 điểm. Điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn xếp vào tốp đầu của tỉnh.

Nhà trường đã triển khai bồi dưỡng kiến thức cho học sinh vào các buổi chiều; trong đó, khối 12 dạy theo chương trình định hướng tiếp cận đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, các khối khác dạy theo chương trình định hướng IELTS. Tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường cho các lớp tiên tiến; trong đó, thuê giáo viên nước ngoài dạy kỹ năng nói. Tổ chức các buổi giao lưu bằng tiếng Anh để tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh cho các em...

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An ảnh 3

Cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tương Dương ôn luyện tiếng Anh.

Không chỉ ở vùng phát triển, các huyện xa trung tâm cũng đã có những chuyển biến tích cực. Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn, Đoàn Văn Thanh cho biết: Huyện tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu đổi mới chương trình và để tham gia giảng dạy trong các chương trình tăng cường; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Phối hợp các Trung tâm ngoại ngữ triển khai chương trình làm quen tiếng Anh và tiếng Anh tăng cường cho các trường mần non và tiểu học. Chất lượng dạy học môn Tiếng Anh đã có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể điểm trung bình môn tiếng Anh thi vào lớp 10 năm 2023 là 4,41 điểm so với năm 2021 là 3,49 điểm tăng 0,92 điểm...

Nghệ An hiện có 268 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, với nhiều giáo viên người nước ngoài giảng dạy.

Ngoài tiếng Anh, một số trường học trên địa bàn Nghệ An đã bắt đầu dạy học tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga.

Gỡ dần các “nút thắt”

Thực tế cho thấy, tiếng Anh là môn học có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền khi mà tại kỳ thi cuối cấp như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm trung bình môn ngoại ngữ ở các trường tốp đầu luôn rất cao, trên tám điểm thì những trường ở vùng núi còn gặp vô vàn khó khăn.

Đặc biệt, năm huyện vùng cao: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu đang thiếu giáo viên tiếng Anh, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, học sinh thiếu môi trường thực hành.

Ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt bậc tiểu học có nhiều điểm trường lẻ, chưa có điều kiện hay chưa bảo đảm tổ chức dạy học tiếng Anh. Nhiều năm qua điểm trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông các trường ở các huyện miền núi đều dưới điểm trung bình.

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An ảnh 4

Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tiếng Anh ở vùng núi Nghệ An còn nhiều thiếu thốn.

Thầy Bùi Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xá Lượng, huyện 30a Tương Dương chia sẻ: Khó khăn nhất hiện trên địa bàn bố mẹ các em đều đi làm ăn xa, các cháu đa phần ở nhà với ông bà chính vì thế mà việc quan tâm học hành của các em, nhất là môn tiếng Anh còn rất hạn chế. Trong lúc nhà trường mới chỉ có một giáo viên tiếng Anh, phải đảm trách hơn 30 tiết/tuần; phải “chạy sô” dạy tại ba điểm trường...

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Anh Sơn 1 chia sẻ: Từ trước đến nay môn tiếng Anh mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, trên thực tế đây vẫn là một môn học khó, cần được đầu tư bài bản và theo lộ trình dài hơi. Mặc dù có nhiều nỗ lực tuy nhiên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình môn tiếng Anh qua các năm đều dưới điểm trung bình. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, từ năm 2025 trở đi, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông với hai môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và hai môn lựa chọn, thì các em ở đây lại có xu hướng không chọn môn tiếng Anh để học và thi.

Một thực tế cho thấy, đối với học sinh các huyện miền núi Nghệ An nói chung và các huyện 30a nói riêng, việc giữ học sinh đi học đầy đủ đã khó chứ chưa nói đến việc gia đình và các em đầu tư học tiếng Anh.

Một thực tế cho thấy, đối với học sinh các huyện miền núi Nghệ An nói chung và các huyện 30a nói riêng, việc giữ học sinh đi học đầy đủ đã khó chứ chưa nói đến việc gia đình và các em đầu tư học tiếng Anh.

Ngoài ra, hiện các huyện miền núi đều thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.

Do địa hình vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, các giáo viên mới ra trường hiếm khi lên đây để tham gia ứng tuyển. Chẳng hạn, Phòng giáo dục huyện 30a Tương Dương có bốn biên chế giáo viên tiếng Anh nhưng mấy năm lại nay vẫn không có ai nộp hồ sơ ứng tuyển. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ ở nhiều nơi cũng chưa bảo đảm.

Chuyển biến rõ nét trong dạy và học tiếng Anh ở “điểm trũng” Nghệ An ảnh 5

Các em học sinh miền núi Nghệ An làm quen với tiếng Anh

Qua gần bốn năm triển khai Đề án, việc dạy và học tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là vùng miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Theo giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành: Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, để phổ biến sâu rộng đến toàn xã hội, nhất là đến cán bộ quản lý, các nhà giáo, học sinh, phụ huynh về lợi ích, tầm quan trọng của việc dạy - học tiếng Anh đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bằng hình thức quảng bá, thúc đẩy những mô hình hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong dạy - học tiếng Anh.

Đồng thời, triển khai việc dạy-học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục theo chuẩn đầu ra của cấp, bậc học, ngành, nghề đào tạo. Đa dạng hóa các chương trình đào tạo tiếng Anh; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên tiếng Anh đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy - học tiếng Anh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; Cần có cơ chế tuyển giáo viên tiếng Anh; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trường học, lớp học tiếng Anh đạt chuẩn cho miền núi, vùng cao Nghệ An...

Số lượng học sinh tham gia chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục Nghệ An tăng đột biến. Cụ thể, năm học 2023-2024, bậc học mầm non có 2.969 lớp với 60.651 học sinh; cấp tiểu học, có 976 lớp với 29.172 học sinh; cấp THCS, có 201 lớp với 7.077 học sinh...

back to top