Nghệ An nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

Bài 2: Tạo chuyển biến tích cực, vững chắc

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai nhiều giải pháp tạo động lực cho các trường vươn lên góp phần đưa chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, vững chắc. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của tỉnh từ chỗ ở trong tốp 40, nay đã vươn lên tốp 20 địa phương toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ đọc sách của học sinh Trường tiểu học Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn. (Ảnh ÐÌNH PHƯỢNG)
Giờ đọc sách của học sinh Trường tiểu học Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn. (Ảnh ÐÌNH PHƯỢNG)

Chăm lo giáo dục miền núi

11 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An có dân số hơn một triệu người, trong đó, gần nửa triệu là đồng bào dân tộc thiểu số. So với mặt bằng chung của tỉnh, chất lượng giáo dục ở khu vực này khá chênh lệch.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân Nghệ An đã quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tại 70 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú các cấp và 57 trường có học sinh dân tộc bán trú, cơ sở vật chất, thiết bị trường học được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho con em vùng sâu, vùng xa học tập, rèn luyện ngày một tốt hơn.

Những năm qua, toàn tỉnh đã giảm được 440 điểm trường lẻ cùng 71 trường phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Ðiển hình như Trường tiểu học Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn, trước đây có năm điểm trường lẻ, với gần 1/3 sĩ số là các em người dân tộc thiểu số. Năm 2020, trường được đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây trường mới, xóa hết các điểm trường lẻ, học sinh về học điểm trường chính để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và mô hình bảo đảm chất lượng có hiệu quả, nên đã sớm vươn lên tốp đầu huyện…

Thông qua hình thức xã hội hóa, một số địa phương đã được đầu tư trường cao tầng, phòng học, nhà công vụ, bếp ăn, hệ thống nước sạch, máy tính… Ðiển hình như Trường THPT Kỳ Sơn được một doanh nghiệp hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại bảo đảm các điều kiện để tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo điều kiện cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số vùng miền tây Nghệ An có cơ hội học tập tốt hơn.

Bước tiến được ghi nhận từ năm 2022, khi tỉnh Nghệ An triển khai Ðề án "Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đánh giá, đề án này đã đưa ra các giải pháp tổng thể về tập trung củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp với quy mô hợp lý, giảm các trường lẻ, lớp ghép; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; trường phổ thông có học sinh bán trú; xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới. Tỉnh Nghệ An đã, đang chuẩn bị thông qua một số cơ chế đặc thù liên quan, giúp giáo dục và đào tạo miền núi có bước phát triển.

Cô Lô Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tương Dương cho biết, nhà trường đang triển khai mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngoài chương trình chính khóa, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập văn hóa vào buổi chiều và hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm cho các em. Cũng như các trường miền núi khác, nhà trường đã khơi dậy tinh thần yêu trò sâu sắc cho đội ngũ giáo viên. Nhiều thầy, cô đã vượt qua khó khăn đời thường để bám lớp, dạy học sinh bằng cả tình cảm và lòng yêu thương. Cô Trần Thị Thanh (52 tuổi), giáo viên môn Sinh và Khoa học tự nhiên, chồng bị ung thư mất, cô lại bị bệnh hiểm nghèo. Vượt lên tất cả, cô vẫn bám lớp. Ngoài dạy chính khóa, cô còn bồi dưỡng 6 em thi đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh với 1 giải nhất, 5 giải nhì.

Chủ tịch Công đoàn Sở Giáo dục và Ðào tạo Nghệ An Ðặng Văn Hải cho biết: Sau hơn ba năm triển khai phong trào: "Phòng giúp phòng, trường giúp trường, tổ bộ môn giúp bộ môn", đã có hàng trăm buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tiết dạy mẫu. Các chương trình tăng cường như ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục STEM; kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo quản lý, công tác chủ nhiệm lớp được chia sẻ thường xuyên... Các trường thuận lợi còn giúp đỡ các trường khó khăn hơn 3,2 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, sinh hoạt.

Động lực vươn lên

Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Nghệ An, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, ngành giáo dục cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền, chất lượng dạy học đại trà ở khu vực miền núi, rẻo cao.

Trăn trở với những vấn đề đặt ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành đã triển khai nghiên cứu Ðề tài "Triển khai mô hình bảo đảm chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Nghệ An". Nội dung cốt lõi là quá trình và quy trình xây dựng chuẩn đầu ra có sự tham gia của học sinh, cha mẹ học sinh, bảo đảm yếu tố chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước, có tính đối sánh, có tính đột phá dựa trên cơ sở phân tích các yếu tố bên trong, yếu tố bên ngoài, sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, cha mẹ học sinh, cựu học sinh,… Từ đó, nhà trường cam kết mức tối thiểu chất lượng giáo dục với học sinh, cha mẹ học sinh với cơ quan quản lý cấp trên và đề ra kế hoạch và giải pháp thực hiện. Ðề tài đã đoạt Giải đặc biệt "Giải thưởng công trình sáng tạo, khoa học và công nghệ trên địa bàn Nghệ An năm 2023".

Từ năm học 2019-2020, ngành giáo dục Nghệ An bắt đầu thực hiện đề tài nêu trên. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Nghệ An đã phối hợp các trường đại học sư phạm bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và năng lực vững vàng cho tất cả các giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ðối với giáo viên ngoại ngữ, Sở đã tiến hành đào tạo lại hàng trăm giáo viên tiếng Anh chuẩn theo hướng quốc tế với IELTS từ 7.0 trở lên...

Nhìn lại cả quá trình thực hiện đề tài này, từ những ngày đầu nhiều cán bộ, giáo viên còn có những băn khoăn, ngại đổi mới, ngại áp lực, thì nay, việc triển khai mô hình bảo đảm chất lượng đã trở thành một "luồng gió mới" tạo động lực thúc đẩy việc dạy và học, nâng cao chất lượng tại các trường học.

Sau gần bốn năm triển khai, chất lượng giáo dục của nhiều trường được nâng lên đáng kể. Thí dụ như Trường THPT Ðô Lương 2 đã có bước tiến rõ rệt, điểm thi tốt nghiệp từ vị trí 71 lên vị trí 22 toàn tỉnh. Tương tự, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ðô Lương cũng vươn lên trong tốp 20 cơ sở giáo dục có điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh. Nhiều trường ở vùng miền núi khó khăn như Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Trường THPT Mường Quạ ở huyện Con Cuông… cũng có bước bứt phá.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Ðình Long cho biết: Gần bốn năm triển khai thực hiện mô hình bảo đảm chất lượng, mặc dù sự đầu tư của tỉnh xét tổng thể chưa nhiều nhưng chất lượng giáo dục phổ thông đã thay đổi rất rõ nét trong toàn tỉnh, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và người dân ghi nhận...

-----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31/5/2024.