Chung tay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hiện nay, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân tộc. Những chương trình, chính sách được ban hành đang phát huy hiệu quả góp phần làm thay đổi diện mạo phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, và bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Chung tay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1
Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước. (Ảnh TRẦN VĂN)

Từ khi ra đời Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, với quan điểm nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đến nay, khối đại đoàn kết dân tộc luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đất nước vượt qua chiến tranh, thiên tai địch họa từ đó xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc thiểu số

Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định lại và tiếp tục bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Từ Đại hội lần thứ I (tháng 3/1935), Đảng ta đã xác định tầm quan trọng của công tác dân tộc, nhấn mạnh vai trò của các dân tộc thiểu số trong cách mạng. Tại Đại hội Đảng lần II (tháng 2/1951), Đảng chỉ rõ các dân tộc trên đất nước Việt Nam được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau. Kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và đánh đổ âm mưu chia rẽ dân tộc.

Chung tay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tra cứu thông tin các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh TRẦN VIỆT)

Sau đó, vào tháng 8/1952, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về chính sách đối với dân tộc thiểu số của Đảng và đến ngày 22/6/1953, Chính phủ chính thức công bố chính sách dân tộc là đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) xác định giải quyết vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam. Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, xóa bỏ chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc; đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp; làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước, bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), chính sách dân tộc đã có những bước đột phá quan trọng. Những nội dung chính của chính sách dân tộc trong thời kỳ này gồm: Khai thác tiềm năng của các vùng dân tộc thiểu số, tích hợp chúng với kế hoạch phát triển quốc gia, hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; đầu tư vào giáo dục, y tế và văn hóa để nâng cao năng lực, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần...

Công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua hàng loạt nghị quyết và quyết định quan trọng như Nghị quyết số 22-NQ/TW (1989) của Bộ Chính trị và Quyết định số 72-HĐBT (1990) của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi. Trong đó nhấn mạnh, phải phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.

Chung tay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 4
Hỗ trợ sản xuất với các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đã tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có cơ hội vươn lên thoát nghèo. (Ảnh MINH THU).

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chống phân biệt đối xử về dân tộc. Những chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 cùng với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã nâng cao sự lãnh đạo và chỉ đạo, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy và tổ chức Đảng về công tác dân tộc, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, hướng đến việc xây dựng một xã hội bình đẳng, đoàn kết và phát triển toàn diện.

Theo Ủy ban Dân tộc, đến nay đã có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 5/52 tỉnh, thành phố đạt mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so năm 2020; 31/52 tỉnh, thành phố đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 38/52 tỉnh, thành phố đạt trên 70% thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 27/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 25/52 tỉnh, thành phố đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Một số thành tựu trong công tác dân tộc ở nước ta

Về khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc, khuyến khích giao lưu văn hóa và hỗ trợ phát triển kinh tế. Các nghị quyết của Trung ương đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hòa hợp và gắn bó giữa các dân tộc, giúp tăng cường niềm tin, sự hợp tác và đoàn kết.

Với phương châm các dân tộc chung sống bình đẳng, tại tỉnh Lạng Sơn, nhiều địa phương có sự sinh sống cộng cư giữa người Nùng và người Tày. Anh Nông Quốc Hùng ở thôn Nà Lệnh, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc cho biết, nơi anh ở người Nùng và người Tày cùng nhau sản xuất kinh tế, cùng thực hành văn hóa như tham gia hội mùa xuân, giúp đỡ nhau thực hiện nghi lễ vòng đời như đám cưới, đám tang… Mọi người coi nhau như anh em, khi trong bản có công có việc, bất kể là người Nùng hay người Tày thì cả bản đều chung tay giúp đỡ mỗi người một việc.

Chung tay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 5
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều nông dân của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã vươn lên thoát nghèo. (Ảnh VINH DUY)

Về kinh tế, các chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số đã mang lại kết quả tích cực, với việc đầu tư vào hạ tầng, giao thông và sản xuất, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo tại các khu vực này đã giảm đáng kể. Sự tham gia của đồng bào vào phát triển kinh tế quốc gia ngày càng gia tăng, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh Điện Biên có 82,62% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là dân tộc H’Mông và dân tộc Thái, đời sống của người dân rất khó khăn. Trước năm 2020, toàn tỉnh có hơn 40% hộ nghèo, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, số hộ nghèo của tỉnh giảm mỗi năm 4%, đến năm 2023 số hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 25%.

Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy, với nhiều di sản được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế. Các hoạt động văn nghệ, lễ hội dân gian được tổ chức thường xuyên, giúp đồng bào duy trì bản sắc văn hóa độc đáo và đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Nhiều di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy, các di sản như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái”, và “Nghệ thuật Xòe Thái”… đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc là nhiệm vụ cấp bách được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đến nay, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết. 16/52 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định trên 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 14/52 tỉnh, thành phố Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…

Mới đây, bão số 3 (Yagi), cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam đã để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề. Trước, trong và ngay sau bão Yagi, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp bà con giảm thiểu, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.

Khi những dòng lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, gây thiệt hại nghiêm trọng tại vùng núi phía Bắc như Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp đến những điểm “nóng”, vùng “rốn lũ”, sạt lở đất nghiêm trọng... để sẻ chia với những mất mát của đồng bào, động viên nhân dân vùng lụt, bão; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân nói chung.

Có thể nói, chính sách về dân tộc mà Đảng và Nhà nước đưa ra không chỉ khẳng định sự bình đẳng, mà còn hướng đến việc phát triển bền vững các vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay. Chính sách này đã tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng lòng, chung sức xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc đất nước Việt Nam.

back to top