7 phiên giao dịch việc làm tại các huyện nghèo cho lao động hồi hương

NDO - Trong thời gian tới, sẽ có 7 phiên giao dịch việc làm diễn ra tại 7 huyện nghèo thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An và Thanh Hóa. Đối tượng của chương trình này là các lao động đã đi làm việc ở nước ngoài về nước.
0:00 / 0:00
0:00

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 8 và tháng 9 tới, cơ quan này phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm của 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Thanh Hóa, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của 7 huyện Kong Chro, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Quế Phong, Tương Dương, Thường Xuân, Bá Thước tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm tăng thêm kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp.

Các phiên giao dịch việc làm sẽ diễn ra rải rác từ ngày 22/8 đến 22/9/2023 tại trung tâm các huyện: Kong Chro (tỉnh Gia Lai), Tu Mơ Rông và Kon Plông (tỉnh Kon Tum), Quế Phong và Tương Dương (tỉnh Nghệ An), huyện Thường Xuân và Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).

Đây là hoạt động triển khai kế hoạch hỗ trợ giới thiệu việc làm thuộc Tiểu dự án 3 - Dự án 4 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho người lao động hiện đang cư trú tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, các huyện bãi ngang ven biển, đặc biệt là người lao động đã tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tham dự phiên giao dịch việc làm có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước với nhiều vị trí tuyển dụng phù hợp, mức lương ổn định. Đây là cơ hội để người lao động có thể tiếp cận thị trường lao động và tìm kiếm việc làm tương xứng với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình sau khi về nước.

Các phiên giao dịch việc làm sẽ diễn ra rải rác từ ngày 22/8 đến 22/9/2023 tại trung tâm các huyện: Kong Chro (tỉnh Gia Lai), Tu Mơ Rông và Kon Plông (tỉnh Kon Tum), Quế Phong và Tương Dương (tỉnh Nghệ An), huyện Thường Xuân và Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).

Thời gian đăng ký với người lao động từ ngày 13/7 đến 22/9/2023.

Đối tượng chính của các phiên giao dịch việc làm là người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của nước này (chương trình EPS) và thực tập sinh thực tập tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước. Cùng với đó là người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm hiện đang cư trú tại các xã thuộc các huyện trên.

Người lao động và các doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký theo hai cách.

Trước hết là đăng ký qua trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước: www.colab.gov.vn, tại mục “Đăng ký tuyển dụng lao động” hoặc “Đăng ký tìm việc làm trong nước”.

Ngoài ra, người lao động có thể đăng ký trực tiếp tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của 7 huyện nêu trên.

Đây cũng là một trong nhiều hoạt động nhằm tăng cường kết nối việc làm cho lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua của Trung tâm Lao động ngoài nước. Trước đó, đơn vị này cũng phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cho nhóm đối tượng này ở nhiều địa bàn khó khăn, huyện nghèo.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững nằm trong Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Mục tiêu của Tiểu dự án này là cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Có 4 nhóm đối tượng thuộc chương trình: Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo và cơ quan, tổ chức có liên quan; Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Nội dung hỗ trợ tập trung vào sáu lĩnh vực chính. Trong đó, có hai lĩnh vực đáng quan tâm là hỗ trợ giao dịch việc làm và hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện của Tiểu dự án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 1.950 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 600 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 1.350 tỷ đồng). Ngân sách địa phương là 550 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 150 tỷ đồng). Vốn huy động hợp pháp khác là 110 tỷ đồng.