Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Hướng Hóa tuyên truyền chính sách tín dụng cho đối tượng thụ hưởng.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Hướng Hóa tuyên truyền chính sách tín dụng cho đối tượng thụ hưởng.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị vượt khó, thoát nghèo

Thời gian qua tỉnh Quảng Trị có nhiều cách làm hay để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiêu biểu là cho các đối tượng vay vốn vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở; đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định kinh tế gia đình, vượt khó, thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Chiến, người dân tộc thiểu số ở thôn Ka Túp, thị trấn Lao Bảo cho biết, nhà anh bị xuống cấp, hư hỏng nên được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện miền núi Hướng Hóa cho vay 40 triệu đồng trong thời hạn 15 năm, lãi suất 3%/năm, cùng số tiền dành dụm được, anh đã đầu tư vào xây nhà để gia đình có chỗ ở tươm tất hơn.

Cùng với đó, gia đình anh cũng được cho vay thêm 100 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề. Với số vốn này, anh trồng 2 ha tràm và mua trâu bò giống về nuôi.

Trước đây anh Chiến cũng được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội trồng chuối kinh doanh nhưng do Covid-19 nên không hiệu quả. Nay anh chuyển đổi qua trồng tràm và chăn nuôi. Gia đình anh rất vui mừng vì được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện về nhà ở, sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Hướng Hóa Hồ Văn Quân cho biết, đến nay phòng đã giải ngân cho vay theo Nghị định 28 được 31,8 tỷ đồng với 527 hộ vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao. Hai nội dung triển khai cho vay gồm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ chuyển đổi nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có 251 ngôi nhà được xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa và 276 dự án trồng cây cà-phê, tràm, bời lời, sắn, chăn nuôi trâu, bò, dê… được người dân đầu tư vốn thực hiện. “Các hộ được vay đều sử dụng đồng vốn rất hiệu quả, đó là điều rất đáng mừng”, anh Hồ Văn Quân chia sẻ.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, số dự nợ cho người dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng chính sách qua các kênh đạt hơn 775 tỷ đồng với hơn 11.835 hộ vay.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị vượt khó, thoát nghèo ảnh 1

Chị Hồ Thị Năm ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông được vay tiền dựng nhà mới.

Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đối với gia đình chị Hồ Thị Năm ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông đã thành hiện thực. Gia đình chị là hộ nghèo, nguồn thu nhập chính chỉ từ làm rẫy nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở.

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông, sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà của chị đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, đem lại niềm vui cho gia đình. Chị Năm chia sẻ, gia đình tôi rất khó khăn, ở nhà cũ cứ mưa là bị dột ướt, không có chỗ để ngủ.

Sau khi được chính quyền các cấp hỗ trợ và được vay 40 triệu đồng, cộng với khoản vay mượn từ anh em, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà khá kiên cố. Bây giờ, chị yên tâm hơn nhiều, mùa mưa lũ này không sợ thấm dột nữa.

Tại thôn Pa Tầng, xã Đakrông, huyện Đakrông nhờ chương trình cho vay chuyển đổi nghề nên anh Hồ Văn Công được vay 100 triệu đồng mua 4 con trâu về để nuôi.

Anh Công cho biết, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài và có phân kỳ trả nợ nên tôi rất vui mừng, có thêm động lực để phát triển kinh tế của gia đình, nuôi con ăn học, nhanh chóng thoát nghèo. Nuôi trâu là phù hợp với điều kiện của gia đình cũng như điều kiện tự nhiên nơi anh sinh sống của người dân tộc thiểu số.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông Ngô Văn Bảo cho biết, huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên rất cần đồng vốn để phát triển. Vì vậy, vốn vay theo Nghị định 28 rất có ý nghĩa trên địa bàn. Đơn vị đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện triển khai thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng.

Đến nay có 196 hộ nghèo vay hỗ trợ về nhà ở với số tiền hơn 7,8 tỷ đồng; 69 hộ nghèo vay chuyển đổi nghề với số tiền 5,06 tỷ đồng. Chương trình tín dụng đáp ứng nhu cầu nguyện vọng đông đảo hộ nghèo dân tộc thiểu số. Nguồn vốn đã giúp bà con có thêm nguồn lực tài chính để xây dựng nhà ở khang trang, chất lượng và kiên cố hơn, bảo đảm ổn định cuộc sống, đặc biệt giúp người dân an cư trong các mùa mưa lũ.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị vượt khó, thoát nghèo ảnh 2

Người dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Trị vay vốn chính sách chăn nuôi trâu.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương, thời gian qua chi nhánh đã đẩy mạnh công tác giải ngân vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Có thể thấy Nghị định 28 chính là phao cứu sinh đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Chi nhánh đã chủ động và thường xuyên phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan để tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện rà soát để triển khai công tác cho vay một cách kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đến nay, tổng dư nợ chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho vay theo nghị định này đạt trên 52,4 tỷ đồng với 960 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, sửa chữa gần 640 ngôi nhà; 320 hộ có vốn để chuyển đổi nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và hỗ trợ đất ở.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa tại Quảng Trị, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 20 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn mà không phải tỉnh nào cũng làm được.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, thời gian qua tỉnh triển khai rất tốt việc cho vay vốn chính sách ưu đãi, điều này đã có tác động tích cực giúp các hộ nghèo có thêm nguồn lực để vươn lên phát triển kinh tế, nhiều mô hình cho vay đã lan tỏa trong cuộc sống. Chính sách ý nghĩa này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

back to top