Mường Ảng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số

Đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm; hàng năm giảm từ 5,5% tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn (theo chuẩn nghèo đa chiều), thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Trong đó, ưu tiên giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên lớp đào tạo nghề chăm sóc, phòng trị bệnh cho lợn ở huyện Mường Ảng thực hành tiêm phòng bệnh cho vật nuôi.
Học viên lớp đào tạo nghề chăm sóc, phòng trị bệnh cho lợn ở huyện Mường Ảng thực hành tiêm phòng bệnh cho vật nuôi.

Thực hiện mục tiêu này, Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng đã giao đầu việc, chỉ tiêu, số lượng, nguồn vốn cụ thể theo kế hoạch từng năm, cả giai đoạn cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Trong đó, huyện đặc biệt coi trọng giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số giúp người lao động nâng cao trình độ lao động, sản xuất đồng thời nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Là một trong những đơn vị được huyện giao đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà-phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi (cụ thể là con lợn), thu hút 324 người lao động tham gia. Trong đó, có 9 lớp với tổng số 162 người lao động học trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà-phê trong thời gian 3 tháng; 9 lớp với 162 người học kỹ thuật chăm sóc vật nuôi (con lợn) cũng học, thực hành trong thời gian 3 tháng.

Mường Ảng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Học viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Ảng được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê trong tum bầu.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng, cho biết: Xác định việc tổ chức các lớp học là phục vụ người học, bảo đảm đào tạo gắn với việc làm để khi kết thúc mỗi khóa học có ít nhất 80% người học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề đã học. Do vậy, trước khi tổ chức các lớp học thì cán bộ Trung tâm phải về từng xã phát phiếu khảo sát nhu cầu, căn cứ số người đăng ký, nguyện vọng Trung tâm tiến hành tổ chức đào tạo theo từng xã, từng cụm xã. Việc tổ chức lớp đào tạo nghề tại xã, cụm xã để tạo thuận lợi cho người học, để người học không phải đi lại xa, được ăn ở tại nhà nên họ yên tâm theo học.

Anh Lò Văn Lả ở bản Xuân Nứa, xã Mường Lạn, cho biết: Gia đình tôi có một ít đất trồng cây cà phê đã cho thu hoạch nhưng năng suất không cao, vì không biết cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây. Vừa qua, được tham gia đào tạo nghề trồng, chăm sóc cà-phê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tôi đã hiểu được đặc tính sinh vật học, chu kỳ sinh trưởng, phát triển trong từng giai đoạn của cây và tôi còn biết cách nhận biết các loại sâu bệnh hại cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, từng mùa theo năm. Sau khi học nghề, tôi đã có thêm kiến thức để thực sự yên tâm khi quyết định vay thêm vốn mở rộng diện tích cà-phê của gia đình.

Cũng là người vừa được tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề kĩ thuật chăn nuôi lợn tại địa phương, chị Lò Thị Oanh ở bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở vui vẻ cho biết: Sau khi tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn ở xã, tôi áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi tại gia đình và thấy rất hiệu quả. Tôi biết cách phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, phun khử trùng chuồng nuôi, do đó đàn vật nuôi phát triển rất tốt, không bị dịch bệnh. Tới đây, tôi có kế hoạch vay thêm vốn đầu tư mở rộng đàn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.

Mường Ảng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Được hỗ trợ học nghề, nông dân bản Bua 2, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng đã tự tin mở rộng diện tích trồng cây cà-phê của gia đình.

Nhận xét chung về khả năng tiếp nhận kiến thức, vận dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình, đồng chí Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng cho biết: 100% học viên học nghề là người dân tộc thiểu số ở địa phương, dù khả năng nhận thức hạn chế nhưng với phương thức đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành bằng cách "cầm tay chỉ việc", lấy dẫn chứng là vật nuôi, cây trồng tại địa phương thì người học đã hiểu, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo. Do vậy, kết thúc mỗi khóa học, người lao động đều áp dụng cơ bản kiến thức vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, khuyến khích người dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo đã và đang được triển khai tại địa phương.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Mường Ảng đặt các mục tiêu cụ thể về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cụ thể, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho từ 350 lao động trở lên, giải quyết việc làm mới cho tối thiểu 700 lao động/năm; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số.