Về Nho Quan hôm nay

Huyện miền núi Nho Quan nằm ở phía tây bắc tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp với huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) và hai huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Sử sách ghi lại tên gọi “Nho Quan” có từ triều Nguyễn, năm Tự Ðức thứ 15 (năm 1862), với ý nghĩa là vùng đất nho nhã, văn hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Ðổi thay tại xã vùng cao Cúc Phương, huyện Nho Quan.
Ðổi thay tại xã vùng cao Cúc Phương, huyện Nho Quan.

Nho Quan với diện tích tự nhiên gần 460 km2, được xem như một “Ninh Bình thu nhỏ” với ba vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng, có sự kết hợp hài hòa giữa rừng núi, sông, hồ. Nơi đây, hơn 152.000 đồng bào các dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17%; đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 18%...

Miền đất tự hào

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nho Quan, Ðặng Xuân Nguyên tự hào: Nho Quan ngày nay vẫn được nhắc đến như là “miền đất cổ” với nhiều dấu ấn lịch sử. Từ rừng nguyên sinh Cúc Phương, với di chỉ khảo cổ được phát hiện tại Ðộng Người Xưa, đã cho thấy có sự xuất hiện của con người trên mảnh đất này từ thời cổ đại cách đây hơn 7.000 năm. Ngoài ra, còn nhiều bằng chứng khoa học chứng minh Nho Quan là một trong những vùng đất đã góp phần tạo dựng nên quốc gia Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Nho Quan tự hào là nơi có tổ chức cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, với sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 9/1927 và Chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng vào tháng 6/1929. Ðặc biệt, tháng 2/1947, Nho Quan vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và chủ trì hội nghị điền chủ để giúp đỡ đồng bào tản cư và kêu gọi nhân dân đoàn kết trường kỳ kháng chiến.

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, nổi tiếng nhất là Vườn quốc gia Cúc Phương, vùng đất Nho Quan còn sinh ra và tôi luyện nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc như: Lương Văn Thăng, Ðinh Tất Miễn, Hà Thị Quế; Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Văn Tụy, cùng nhiều tấm gương anh hùng trong lao động, sản xuất, nhiều trí thức tiêu biểu, đã đóng góp công sức, trí tuệ giữ gìn và phát huy truyền thống của người Nho Quan trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Truyền thống quý báu đó luôn được gìn giữ, kế thừa và phát huy. Minh chứng rõ nét nhất có thể thấy, đó là trong những năm gần đây, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Ðảng bộ ngày càng trưởng thành với 71 tổ chức cơ sở đảng, 459 chi bộ trực thuộc cơ sở, gần 9.750 đảng viên; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2022, huyện Nho Quan đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn hai năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu của Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 27 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra; 5/12 chỉ tiêu đạt từ 60% trở lên.

Từng bước vươn lên tầm cao mới

Trong tiết trời mùa thu dịu mát, chúng tôi đi trên những đường bê-tông khá rộng, uốn lượn, dưới tán cây rừng, thật khó có thể hình dung đang đi trên mảnh đất Cúc Phương, một xã vùng cao, xa và từng là xã khó khăn nhất của huyện miền núi Nho Quan, bởi nơi đây đã có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cúc Phương, Ðinh Văn Xuân cho biết: Vốn là xã miền núi, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số (89%); nhiều năm trước, đời sống vô cùng khó khăn, đến nay, “miền ngược” Cúc Phương đã tự tin sánh vai với các xã đồng bằng.

Cúc Phương cũng vừa được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; 100% đường giao thông được đổ bê-tông, cứng hóa; 100% số thôn, xóm có điện lưới quốc gia; 10/10 thôn, xóm có nhà văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm. Cúc Phương đang từng bước vươn tới một tầm cao mới, trở thành miền quê đáng sống.

Cúc Phương chính là một minh chứng cho ý chí vượt khó, vượt lên chính mình, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp của cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Nho Quan.

Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan

Với diện tích đất tự nhiên rộng, chiếm tới 1/3 tổng diện tích toàn tỉnh Ninh Bình; nơi đây lưu giữ được đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của 15 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện; với hơn 300 di tích lịch sử văn hóa, hơn 40 lễ hội dân gian; đặc biệt có Vườn quốc gia Cúc Phương, chính là điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và phát triển rừng, phát triển du lịch.

Ðể khai thác hiệu quả các lợi thế, trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án giao thông. Huyện đã hoàn thành việc xây dựng tuyến đường Quốc lộ 12B đoạn Tam Ðiệp-Nho Quan; đường ứng cứu phòng hộ Vườn quốc gia Cúc Phương; tuyến đường đông-tây tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1), đi qua 5 xã của huyện, với tổng chiều dài khoảng 16 km đang được xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tuyến Kim Sơn-Nho Quan; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Ðiệp, huyện Nho Quan và vùng phụ cận…

Cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan đã phát huy cao tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực của Nhà nước và nhân dân và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, Nho Quan đã phát triển về mọi mặt, đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thu nhập bình quân toàn huyện đã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn khoảng 2,6%. Ðặc biệt, Nho Quan có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.