Tìm lối ra cho cây cam

Là tỉnh miền núi, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây ăn quả có múi, tỉnh Yên Bái có diện tích cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) hơn 5.728 ha, sản lượng đạt hơn 24.462 tấn. Trong đó, diện tích cam, quýt hơn 3.300 ha, sản lượng đạt khoảng 14 nghìn tấn. Cây cam được trồng nhiều tại các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn.
0:00 / 0:00
0:00
Một vườn cam bị bệnh tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn.
Một vườn cam bị bệnh tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn.

Tuy vậy, từ một cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo, được công nhận nhãn hiệu “Cam Văn Chấn”, nhưng hiện đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi bệnh vàng lá, thối rễ.

Khắc khoải cây cam Có mặt tại tổ dân phố 2, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tôi chứng kiến những đồi cam xác xơ chết héo, dưới gốc cỏ mọc rậm, nhiều gốc còn sống ra quả bé tý tẹo, không có nước, rụng đầy gốc không ai buồn nhặt.

Tại tổ dân phố 3, ông Nguyễn Trọng Quân trồng hơn 1,5 ha cam đường canh từ năm 2012, những vụ được mùa, được giá đem lại thu nhập 500-600 triệu đồng mỗi năm, từ tiền bán cam ông đã xây dựng được cơ ngơi khang trang.

Tuy nhiên, từ năm 2017-2020, diện tích cam của gia đình bị mắc bệnh nấm virus, gây vàng lá, thối rễ chết dần chết mòn, không còn khả năng cứu chữa. Gia đình đã phải chặt bỏ dần từng phần diện tích để chuyển sang trồng quế.

Ông Quân cho hay, cam đã từng mang lại thu nhập cao cho gia đình ông và nhiều hộ dân trong khu vực, vậy mà chỉ trong khoảng vài năm, những vườn cam ở đây chết hàng loạt. Đã có cán bộ khuyến nông, nhà khoa học về tìm cách cứu chữa nhưng không thành, nguyên nhân cam chết chủ yếu do nấm virus, vi khuẩn.

Tại xã Thượng Bằng La, có những hộ gia đình thu nhập từ cam lên tới cả tỷ đồng/vụ.

Đến năm 2019, toàn xã có hơn 500 ha với gần 1.000 hộ dân trồng cam. Sau khi nấm bệnh trên cây cam bùng phát, diện tích cam của xã suy giảm mạnh, hiện chỉ còn hơn 100 ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Đình Mưu cho biết, bên cạnh do nấm virus, nguyên nhân phần nhiều do quy trình thâm canh chăm sóc của người dân, làm cho nhiều đồi cam chết trắng.

Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học làm hủy hoại đất. Nhiều hộ dân bón phân chuồng tươi chưa qua quy trình ủ hoai mục cũng gây hại cho cây. Có hộ dân thâm canh theo kiểu tận thu, vắt kiệt như khoanh gốc cho ra quả sớm, để số quả dày đặc và thiếu nước tưới làm cây cam không đủ sức đề kháng với nấm bệnh.

Chuyển hướng trên đất trồng cam

Gia đình chị Phạm Thị Giang, ở tổ dân phố 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú, trước đây có 2,5 ha cam, hằng năm thu về cả tỷ đồng. Năm 2018, đồi cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ rồi lần lượt chết khô.

Năm 2019, gia đình phá bỏ toàn bộ diện tích nêu trên, tận dụng những cây cam khô để làm giàn trồng bí đao, được vài vụ thì cây chết mục phải chặt bỏ. Tìm hiểu kiến thức trên mạng và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, gia đình cải tạo đất trồng một số loại cây ăn quả khác để cải thiện thu nhập.

Sau một thời gian trồng, nhận thấy hồng xiêm xoài và cây ổi sinh trưởng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cho nên chị đưa vào nhân rộng; đến nay, đã có gần 2.000 gốc ổi và hồng xiêm.

Năm 2023, gia đình thu 15 tấn hồng xiêm, gần 20 tấn ổi, thu nhập gần 400 triệu đồng. Dù doanh thu không bằng cam, nhưng ít chi phí phát sinh cho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho nên chị quyết định sẽ gắn bó lâu dài với các cây trồng thay thế này.

Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn đã mời các chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả có múi thuộc Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả trung ương... đến để xác định nguyên nhân gây bệnh và tìm biện pháp khắc phục.

Qua kết quả nghiên cứu, nguyên nhân gây bệnh là do nấm Phytophthora spp, Fusarium solani và tuyến trùng gây ra. Đây là bệnh xuất phát từ chu kỳ trồng cây ăn quả có múi, sử dụng các biện pháp thâm canh lý, hóa học triệt để, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cây cam, gây hủy hoại môi trường, không tuân thủ nguyên tắc thâm canh hữu cơ, sinh học bền vững...

Ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp các địa phương, nông trường hướng dẫn cho các hộ dân, như đối với các vườn lâu năm thì tập trung đầu tư cải tạo, định lại mật độ cây thích hợp, để lại các cây sinh trưởng tốt tiếp tục tập trung chăm sóc, chặt bỏ các cây già cỗi, bị bệnh vàng lá, thối rễ, cây còi cọc để trồng mới thay thế bằng giống chất lượng cao, sạch sâu bệnh. Đồng thời đối với những vườn đã trồng đi trồng lại nhiều lần, đất đã nghèo dinh dưỡng thì cần có chế độ luân canh với cây trồng họ đậu để cải tạo đất; từng bước áp dụng quy trình sản xuất cam theo VietGAP để tạo vườn cam sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, sản phẩm an toàn”.