Ngày 6/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo: Giải pháp Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.
Chương trình có sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Trung tâm quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quang cảnh hội thảo. |
Tham dự hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đại diện UNICEF cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và các huyện, thành phố cùng tham dự.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo. |
Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh nói riêng và vấn đề an sinh xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh được coi là một trong những quyền cơ bản của con người do nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch và vệ sinh.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng có nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng. |
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm tham gia xóa bỏ bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch và vệ sinh đối với phụ nữ và trẻ em. Việc bảo đảm tiếp cận nước sạch và vệ sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.
Một trạm cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. |
Thực hiện tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chí 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung của cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, với mục tiêu tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới và tăng tỷ lệ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã lựa chọn Đắk Lắk là một trong sáu tỉnh gồm Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Gia Lai, Kiên Giang, Đắk Lắk để làm điểm xây dựng các giải pháp hỗ trợ phụ nữ thực hiện 3 sạch.
Tại Đắk Lắk, số liệu thống kê cho thấy có khoảng 17.598 hộ gia đình, với 72.150 người không có nhà tiêu; khoảng 82.484 hộ gia đình với 340.000 người chưa được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân tiếp cận với nước an toàn của cả nước là 54%, trong khi đó ở Đắk Lắk chỉ đạt 8,6%, khoảng 340.000 hộ gia đình với 1,5 triệu người chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, chiếm đến 74,33%...
Qua triển khai thực hiện tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chí 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đã có nhiều tiến bộ, nhưng trên thực tế, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh giữa các khu vực nông thôn so với mức trung bình của cả nước vẫn còn rất lớn.
Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực nông thôn phải thường xuyên được đầu tư, bảo dưỡng, sửa chữa mới hoạt động hiệu quả. |
Theo báo cáo MICs của UNICEF năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước an toàn là 37,88%, tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu là 4,39%, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu an toàn là 58,29%...
Tại Đắk Lắk, số liệu thống kê cho thấy có khoảng 17.598 hộ gia đình, với 72.150 người không có nhà tiêu; khoảng 82.484 hộ gia đình với 340.000 người chưa được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tỷ lệ người dân tiếp cận với nước an toàn của cả nước là 54%, trong khi đó ở Đắk Lắk chỉ đạt 8,6%, khoảng 340.000 hộ gia đình với 1,5 triệu người chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, chiếm đến 74,33%...
Việc vận động thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe cộng đồng như rửa tay với xà phòng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống, xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh đường làng ngõ xóm là việc làm có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nâng cao sức khỏe phụ nữ và người dân, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng làng quê đáng sống.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao nên mặc dù số tiền đầu tư xây dựng công trình vệ sinh không lớn, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội thì rất khó để thực hiện.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với địa phương.
Do đó, công tác vận động thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe cộng đồng như rửa tay với xà phòng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống, xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh đường làng ngõ xóm là việc làm có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nâng cao sức khỏe phụ nữ và người dân, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng làng quê đáng sống.
Phụ nữ ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk được tiếp cận với nước sạch trong sinh hoạt. |
Đặc biệt, việc hỗ trợ hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo, khuyết tật xây nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nội dung quan trọng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tập trung thực hiện nhằm bảo đảm quyền tiếp cận vệ sinh cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Dự thảo Đề án “thúc đẩy thực hiện 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời nghe báo cáo tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo và Ủy ban nhân dân xã Cư Króa, huyện M’Đrắk về phối hợp thực hiện các hoạt động trong nội dung “3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk để đạt được các chỉ tiêu liên quan trong các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong thúc đẩy tiếp cận nước và vệ sinh cho phụ nữ nông thôn, góp phần đạt tiêu chí nước sạch, vệ sinh trong các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới.
Mặc dù các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực nông thôn tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng, nhưng nhiều công trình do không được đầu tư bảo dưỡng, sửa chữa nên bị hư hỏng, không phát huy hiệu quả, trong khi người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh H’Yim Kđoh cảm ơn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quan tâm và lựa chọn tỉnh Đắk Lắk làm điểm trong triển khai Đề án xây dựng gia đình “3 sạch”, thực hiện chỉ tiêu 17.8.
Đề nghị các ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen để nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe hội viên phụ nữ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh
Theo đồng chí H’Yim Kđoh, để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền ở cơ sở trong việc đánh giá thực trạng sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh đề nghị các ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen để nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe hội viên phụ nữ…
Các giải pháp được đưa ra tại hội thảo là hết sức thiết thực và bổ ích, hy vọng sẽ được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện nhằm đạt được hiệu quả cao nhất để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.