Linh Sơn là xã vùng ven thuộc thành phố Thái Nguyên. Do nhiều năm liên tục phát triển chăn nuôi lợn, trồng rau màu sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho nên nguồn nước bị ô nhiễm và ngày càng thiếu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Năm 2020, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Linh Sơn với tổng mức đầu tư hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là hơn tám tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh gần một tỷ đồng và vốn đóng góp của người dân được hưởng lợi là 456 triệu đồng. Nhà máy nước có công suất gần 250m3/ngày, gồm hai giếng khoan, hai trạm bơm, hệ thống đường ống dài hơn 32 km, hệ thống bể xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch, các bể chứa nước cấp cho các gia đình trên địa bàn. Ban đầu, có hơn 400 gia đình đăng ký sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước sạch Linh Sơn, đến nay tăng lên 550 hộ.
Bà Nguyễn Thị Luyến, ở xóm Bến Ðò, xã Linh Sơn vui mừng cho biết: "Trước đây, gia đình chúng tôi phải dùng nước giếng khoan lẫn nhiều tạp chất, nước ngả mầu vàng, phải lọc qua máy, mỗi tháng thường thay củ lọc mấy lần mà không yên tâm. Từ khi Nhà máy nước sạch Linh Sơn đi vào hoạt động, được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho nên chúng tôi rất yên tâm khi sức khỏe bảo đảm mà giá thành lại hợp lý".
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ quản lý vận hành Nhà máy nước sạch Linh Sơn, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, đại diện cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm hơn 30 chỉ số đều đạt và vượt tiêu chuẩn nước sạch. Với công suất thiết kế, nhà máy đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn.
Hiện nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đang quản lý, vận hành 31 công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, cấp nước sạch ổn định cho hơn 20 nghìn hộ dân. Bên cạnh đó, Thái Nguyên hiện có hàng trăm công trình cấp nước tự chảy, cung cấp nước hợp vệ sinh cho hơn 95% số hộ ở nông thôn.
Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên Nguyễn Văn Trường cho biết: "Triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, đến năm 2025 toàn tỉnh có 98% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Hiện nay, chúng tôi đầu tư 23 công trình thuộc dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó đầu tư mới sáu công trình, sửa chữa và nâng cấp 17 công trình với tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, trong năm 2023 khởi công 16 công trình và năm 2024 sẽ khởi công các công trình còn lại. Khi các công trình này hoàn thành, sẽ có thêm 11 nghìn hộ được cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đang có kế hoạch đầu tư mới, sửa chữa 30 công trình cấp nước nông thôn".
Ðể nâng cao hiệu quả đầu tư, trước khi phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư 23 công trình thuộc dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh, các cơ quan chức năng đã khảo sát thực tế từng vị trí, công trình, thực trạng sử dụng nước sinh hoạt của người dân để quyết định lập danh mục xây mới, sửa chữa công trình. Cùng với việc thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý, vận hành công trình; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước hiệu quả nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.