Giải bài toán nước sạch nông thôn ở Yên Bái

NDO -

3 năm gần đây, tỉnh Yên Bái huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng thực hiện công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của 1 số công trình còn hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chưa cao. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 98% dân sử dụng nước sạch, tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Kiểm tra vận hành trạm bơm nước sạch tại Công ty CP cấp nước Nghĩa Lộ.
Kiểm tra vận hành trạm bơm nước sạch tại Công ty CP cấp nước Nghĩa Lộ.

Dân ngại dùng nước sạch

Đến thăm công trình cấp nước sinh hoạt cho 3 xã Thạch Lương, Thanh Lương, Phù Nham thuộc thị xã Nghĩa Lộ, công suất 1.157 m3/ngày, lấy nước mặt từ dòng Nậm Tăng đổ về từ các đỉnh núi cao Trạm Tấu. Công trình được đầu tư từ năm 2017 với kinh phí 21 tỷ đồng, bảo đảm cung cấp nước sạch cho 2.200 hộ dân trong khu vực. Nhưng Phó Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Văn, Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện mới chỉ có hơn 1.000 khách hàng sử dụng, giá tiền nước bình quân đạt 5,841 nghìn đồng/m3, hằng tháng đạt doanh thu hơn 50 triệu đồng, không đủ bù lỗ khấu hao, đơn vị lỗ nặng.

Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi ngược dốc lên bản Cại, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, nơi có 51 hộ đồng bào Thái vừa được tái định cư vào cuối năm 2020, đến nay cơ bản ổn định đời sống. Chị Lò Thị Yến cho biết, dùng “nước lần” chỉ có 20 nghìn đồng/tháng, trả cho người đứng ra làm dịch vụ, rẻ hơn dùng nước sinh hoạt cấp tập trung.

Giám đốc Công ty CP cấp nước Nghĩa Lộ, Nguyễn Xuân Đoán bày tỏ, hiện đơn vị đang vận hành dự án cấp nước sạch sinh hoạt cho thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn Mù Cang Chải, với hơn 10.000 khách hàng, dù đã có nhiều biện pháp quản lý nhưng tỷ lệ thất thoát nước vẫn ở mức hơn 20%, ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Trạm cấp nước sạch thị trấn Mù Cang Chải đầu tư 4 tỷ đồng, cung cấp cho 500 hộ dân trong khu vực, nhưng người dân chỉ quen dùng nước khe núi tự chảy không mất tiền, cho nên doanh thu đạt hơn 20 triệu đồng/tháng, thu không đủ chi, dù giá nước đối với hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn chỉ có 4.762 đồng/m3.

Giải bài toán nước sạch nông thôn ở Yên Bái -0
Đồng bào Thái bản Cại, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ sử dụng "nước lần", rẻ hơn dùng nước sinh hoạt cấp tập trung.

Qua trao đổi với Trưởng ban Dân vận thị xã Nghĩa Lộ, Lò Văn Vy cho biết, do tập quán của đồng bào, không muốn bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt tập trung, họ vin vào lý do nước có mùi phèn, clo, zaven khi phà trà mất vị, mà không hiểu đó là nước đã được diệt khuẩn, lọc sạch, đủ tiêu chuẩn sử dụng, bảo đảm vệ sinh. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong vùng sử dụng nước sạch.

Nỗ lực của chính quyền

Từ năm 2017, tỉnh Yên Bái thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, xây dựng 26 công trình cấp nước ăn tập trung. Đến năm 2020, đã có 19 công trình cấp nước sinh hoạt hoàn thành, cấp nước cho hơn 7.000 hộ dân các xã: Đông An, Hưng Khánh, Phong Dụ Thượng, Y Can, Yên Phú, Cát Thịnh… Năm 2021, tỉnh xây dựng thêm 7 công trình cấp nước ăn tập trung nhằm đạt mục tiêu của chương trình, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho 11.185 hộ gia đình.

Trấn Yên là huyện đầu tiên của vùng Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo và có nước sạch, nhà vệ sinh.

Gia đình bà Đỗ Thị Thủy, xã Hòa Cuông, năm 2016 vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi để khoan giếng sâu 25m, bơm nước lên téc nước cao hơn 3m để lấy nước ăn, tưới rau, chăn nuôi. Bà Thủy phấn khởi nói: “Gia đình tôi vừa trả xong nợ ngân hàng, đến nay không còn lo thiếu nước ăn khi mùa khô đến nữa…”. Hiện, huyện có hơn 900 lượt hộ vay hơn 18 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nước sạch hợp vệ sinh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, tất cả các công trình cấp nước tập trung xây dựng năm 2018-2020 đều được xét nghiệm, chất lượng nước bảo đảm, đáp ứng được các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng do Bộ Y tế ban hành. 

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải cho biết, giai đoạn 2006-2020, ngân hàng được giao nguồn vốn cho vay 353 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng, đã cho 64.992 lượt hộ dân ở khu vực nông thôn vay với doanh số 749 tỷ đồng. Số tiền trên đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo được 60.974 công trình nước sạch, 60.181 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Do làm tốt công tác tuyền truyền và kiểm tra giám sát, cùng với mạng lưới làm ủy thác cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nhiệm vụ đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn, cho nên hầu hết các hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.

Đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ chương trình trên địa bàn toàn tỉnh là 352 tỷ đồng, với 21.810 khách hàng còn dư nợ. 6 tháng đầu năm 2021, có 4.599 hộ được vay vốn với số tiền 91,8 tỷ đồng, đã có 4.599 công trình nước sạch được xây mới và đưa vào sử dụng, góp phần đưa tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh khu vực nông thôn Yên Bái đạt hơn 90%.

Tuy nhiên, đa số công trình cấp nước nông thôn ở Yên Bái có quy mô cấp nước nhỏ, dân cư phân tán, thực hiện quản lý vận hành khó khăn, lợi nhuận kinh doanh từ cung cấp sản xuất nước sạch thấp, ảnh hưởng lớn đến vận hành và cấp nước an toàn của công trình.

Giải bài toán nước sạch nông thôn ở Yên Bái -0
Một trụ nước được đầu tư nhưng không có nước sạch về. 

Công trình nước sạch thường xuyên gặp hư hỏng do thiên tai diễn biến phức tạp, nguồn nước cạn kiệt mùa khô ảnh hưởng lớn tới cấp nước cho các công trình cấp nước tập trung. Đa số công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao.

Hiệu quả đầu tư của một số công trình còn hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với công suất thiết kế đạt thấp... Những công trình nước sạch tập trung được bàn giao cho các xã quản lý, hầu hết không thành lập tổ quản lý, không thu phí sử dụng, công trình chỉ giao cho cộng đồng quản lý nhanh chóng xuống cấp, không phân giao trách nhiệm về việc quản lý tài sản công cộng. Dẫn tới có nhiều công trình hư hỏng và không phát huy được hiệu quả.

Trưởng bản Noong My, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, Lường Văn Khoa cho biết, bản có hơn 80 hộ đồng bào Thái được tái định cư sau trận lũ quét năm 2018. Năm 2021 được đầu tư 1,5 tỷ đồng làm công trình nước sạch cho dân bản. Nguồn được lấy từ mó nước Khuổi Mạ tự chảy qua bể lọc, thu 2.000 đồng/m3 để tổ tự quản bảo dưỡng, bảo trì công trình, nhất là việc khơi thông dòng chảy, rào chắn đầu nguồn, không để trâu bò đến đằm và xả chất thải ảnh hưởng nguồn nước.

Cách làm “Nhà nước đầu tư, tổ nhóm tự quản lý, dân thụ hưởng” như ở Noong My cần được nhân rộng, không để xảy ra tình trạng như 39 công trình bị hoang phế trong thời gian qua.