Bức bối vì thiếu nước sạch

NDO -

NDĐT - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, do nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu nên toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ dân đang trong tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, Giang Thành và xã đảo Kiên Hải…

Chị Nguyễn Thị Hiền vét từng lon, từng gáo nước để sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Hiền vét từng lon, từng gáo nước để sử dụng.

Theo dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo dài đến tháng sáu nên tình hình thiếu nước ngọt sẽ càng nghiêm trọng hơn và sẽ phát sinh thêm ở một số nơi trong thời gian tới.

250 nghìn mua 700 lít nước

Chị Danh Thi, cán bộ phụ trách sản xuất của xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất dẫn chúng tôi đi một lượt các nơi tập trung đông dân cư ở xã để tường tận cảnh khổ của bà con vì thiếu nước sinh hoạt. Chị nói: “Đã lâu lắm rồi trên địa bàn xã không có mưa, nước ngọt dự trữ của người dân đã hết sạch. Địa bàn xã giáp biển nên kênh, rạch đều nhiễm mặn, bà con không thể lấy nước lắng phèn để sử dụng”.

Ở Thổ Sơn cũng có một số giếng khoan của tư nhân, nhưng một số giếng không còn nước, những giếng còn nước nhưng chất lượng nước rất kém. “Hai năm qua cứ độ khoảng tháng 12 dương lịch, nhiều giếng nước ngầm trong xã hết nước. Những giếng còn, nước cũng ngả màu vàng và vị mặn nhiều hơn trước nên không thể dùng trong ăn uống”- Chị Danh Thi nói.

 Bức bối vì thiếu nước sạch ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Kèn đổi nước với giá từ 120-150 nghìn đồng/m3.

Bà con phải lặn lội ra tận trung tâm xã mới đổi (mua) được nước ngọt, nhưng phải trả một khoảng tiền quá cao. Ông Trần Văn Sơn, ngụ ấp Hòn Quéo cho biết: Do không có điều kiện trữ nước ngọn, nên cứ vài hôm vợ chồng ông phải đẩy xe hàng km đường ra trung tâm xã đổi nước về dùng. “Nước ngọt giờ đắt như vàng 250.000 đồng chỉ mua được 700 lít nước”. Nước ngọt đắt lại hiếm, nên người dân xã Thổ Sơn sử dụng nước rất tiết kiệm. Hàng ngày ra kênh nước mặn tắm, gội, rửa chén, giặt đồ… sau đó gội xả lại bằng nước ngọt.

Theo Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, Nghiêm Trung Hậu, vào mùa khô hầu hết người dân trong xã đều bức bối vì thiếu nước ngọt sử dụng. Đối với những hộ dân sống ven biển do sử dụng nước mặn thời gian lâu nên mắc một số bệnh truyền nhiễm. “Nhiều năm qua, xã kiến nghị huyện tỉnh kéo nước sạch từ Quốc lộ 80 về cho ấp Bến Đá; quy hoạch khoảng 2ha đất xây dựng nhà máy nước ở ấp Vạn Thành nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Để giải khát cho dân, chúng tôi đang vận động người dân cùng bỏ kinh phí để khoan giếng nước ngầm từ trên núi, nhưng kinh phí khá cao khoảng 150 triệu đồng/giếng. Phải chi ngân sách hoặc nhà hảo tâm nào hỗ trợ cho Thổ Sơn thì tốt quá!” – ông Nghiêm Trung Hậu mong muốn.

Khoan nước giải “cơn khát”

Còn tại các xã đảo, nhiều năm qua như quy luật đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô là rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt. Năm nay, cơn khát đến sớm và dự báo kéo dài tình hình sẽ trầm trọng hơn. Theo ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, từ sau Tết nguyên đán đến nay, lượng khách du lịch đến với quần đảo Nam Du rất đông, ước tính mỗi ngày có khoảng 500 khách đặt chân lên đảo, những ngày cuối tuần lượng khác tăng hơn hai lần. Đây là tín hiệu mừng, nhưng cũng là nỗi lo của chính quyền và nhiều hộ dân sống trên đảo. Người đông, đồng nghĩa với việc tần suất sử dụng nước ngày càng lớn. Hồ nước lớn 30.000m2 sắp cạn, các giếng khoan không còn nước.

 Bức bối vì thiếu nước sạch ảnh 2

Các giếng nước ngầm ở xã đảo An Sơn đã khô.

Chị Nguyễn Thị Hiền ấp An Cư, xã An Sơn than, “để có nước ngọt sử dụng gia đình phải thay phiên nhau túc trực tại các giếng nước chắc từng lon, từng gáo nước tích trữ lại để sử dụng trong ngày”. Theo ông Nguyễn Văn Kèn, ấp An Cư, xã An Sơn, mặc dù xã đảo An Sơn có hồ nước 30.000m2 nhưng không năm nào hồ chứa đầy nước, nên cứ vào mùa khô là hồ cạn nước không đủ cho sinh hoạt của người dân. Nhu cầu nước sạch lớn, vào mùa khô một số người dùng ghe (tàu) chở nước sạch từ đất liền ra đảo đổi cho dân với giá từ 120-150 nghìn đồng/m2. Dù giá nước khá cao, nhưng người dân phải luôn lệ thuộc vào dân buôn nước.

Bức xúc, một số hộ dân có điều kiện vào đất liền lên tận Đồng Nai, Bình Phước tìm đến các cơ sở chuyên khoan cây nước cho vùng núi thuê ra đảo tìm nguồn nước ngọt. Ông Phạm Văn Quân xác nhận: “Viêc người dân tự phát thuê khoan nước bước đầu đã giải quyết được câu chuyện bức xúc về nước sạch. Hiện ở xã An Sơn đã có hơn 10 cây nước được người dân khoan mới thời gian gần đây, với mức giá bình quân từ 60 đến 85 triệu đồng. Chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này lên UBND huyện và các ngành chức năng để có hướng chỉ đạo”

Những gia đình khoan được cây nước thì không còn nỗi lo về nước, những hộ chưa có điều kiện thì mua lại nước với mức giá tương đối hợp lý. Mừng, vì “cơn khát” của người dân đất đảo đã được chính người dân tìm cách hạ nhiệt. Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo. Bởi nếu không có sư cảnh báo hoặc khuyến cáo kịp thời của chính quyền và các ngành chức năng sẽ có nhiều cây nước được khoan trong thời gian tới và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm là khó tránh khỏi.