Sức sống mới Mường Ham

NDO - Mùa thu này lên bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) ngồi bên cốc “chè đâm”, một thức uống đặc sản được giã nhuyễn, màu xanh lam sóng sánh, có hương vị thơm, chát, ngọt đặc trưng của vùng quê miền núi vùng Quỳ Hợp, tôi được nghe các bậc cao niên kể về sự tích lập bản, dựng mường.
0:00 / 0:00
0:00
Đường vào bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp.
Đường vào bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp.

rồi, vượt mọi khó khăn, miền Tây xứ Nghệ đang được đánh thức bằng những chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước cùng sự phát triển đi lên của đồng bào dân tộc thiểu số, bản Mường Ham nay đã thay da đổi thịt và ngày càng khởi sắc.

Huyền thoại lập bản, dựng mường

Theo lời kể của các già bản, vào cuối thế kỷ XIX, vùng Mường Tôn, thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong bây giờ là trung tâm của “chín bản, mười mường” xảy ra biến cố. Một dòng họ Lo Căm quyền thế gọi là một Tạo Mường đã cho người đưa con trai duy nhất của mình là Tạo Nọi xuống vùng rừng núi thuộc xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp bây giờ để lánh nạn.

Gia nhân của Tạo Mường đã giấu Tạo Nọi trong một hang đá lớn thuộc thung lũng Túng Nhau và được bảo vệ rất cẩn mật để chờ ngày hết loạn lạc sẽ trở về với gia đình. Gia nhân của Tạo Mường vừa chăm sóc, bảo vệ Tạo Nọi, vừa tiến hành khai hoang, phát rẫy, đắp phai, đào kênh dẫn nước về ruộng.

Gần 10 năm sau, hay tin quê nhà đã hết loạn lạc, Tạo Mường đã mất, gia nhân rước Tạo Nọi từ Túng Nhau đến một vùng bằng phẳng, cảnh sắc hài hòa, có dòng Nậm Huống trong mát. Đến đây Tạo Nọi lệnh cho gia nhân dừng bước và cắm đất, dựng nhà, tiếp tục mở rộng khai hoang để người từ khắp nơi tìm về đây sinh sống, cùng khai bản, lập mường. Vùng đất Tạo Nọi dừng chân được gọi là Mường Hám theo nghĩa tiếng Thái “hám” là khiêng, cáng cũng có nghĩa là rước, sau này gọi chệch âm là Mường Ham.

Theo chân Tạo Nọi, người Thái bản trên, mường dưới kéo nhau về cùng Tạo Nọi xây dựng bản mường... Mường Ham ngày càng được mở rộng, trở thành mường lớn nhất trong vùng. Bà con người Thái ở Quỳ Hợp quen gọi là Mường Tôn, tức mường gốc của cả vùng Khủn Tinh xưa. Về sau, triều đình nhà Nguyễn gọi Mường Ham là Thuần Hàm Tổng gồm các xã Châu Cường, Châu Quang và một phần Châu Lý ngày nay và trở thành trung tâm hành chính của một vùng rộng lớn.

Khi Tạo Nọi qua đời, người dân Mường Ham lập đền thờ và tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, khi vạn vật, cỏ cây được ủ mình trong không khí vui tươi, ấm áp để ghi nhớ công đức của người đầu tiên lập bản, dựng mường.

Sức sống mới Mường Ham ảnh 1

Cánh đồng lúa nước của bản Mường Ham.

Qua những bước đi thăng trầm của dòng thời gian, có lúc đền thờ bị xuống cấp, lễ hội bị đứt đoạn, nhưng thế hệ cháu con vẫn luôn ghi nhớ và hướng về công đức của tổ tiên. Nay đền thờ đã được phục dựng, lễ hội cũng đã được khôi phục, người Mường Ham càng thêm yêu quý và tự hào về truyền thống quê hương...

Cũng theo lời kể của các bậc cao niên, Mường Ham xưa là một vùng rộng lớn, nay mường không còn là đơn vị hành chính, nhưng ở Châu Cường vẫn còn bản Mường Ham. Nghĩa là, bản Mường Ham hôm nay là trung tâm của Mường Ham xưa.

Về Mường Ham hôm nay

Bản Mường Ham ngày nay là trung tâm của xã Châu Cường, có khoảng gần 130 hộ. Nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc thiểu số ở đây là làm ruộng nước, trồng hoa màu, rừng nguyên liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống ngày càng được nâng cao, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được bà con chú trọng.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, Mường Ham được đầu tư kinh phí xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi, dân sinh. Với sự nỗ lực phấn đấu, thu nhập bình quân đầu người của bản năm 2022 đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm.

Đến Mường Ham hôm nay, hầu hết các tuyến đường nội bản đã được bê-tông hóa, kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố, bà con đang tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp, đẩy mạnh sản xuất, tạo mỹ quan làng bản.

Sức sống mới Mường Ham ảnh 2

Đồng bào dân tộc Thái ở bản Mường Ham chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trưởng bản Mường Ham Vi Thị Phượng phấn khởi chia sẻ, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh đoàn kết, nội lực trong cộng đồng dân cư, các cán bộ của bản đã vận động nhân dân, phát huy tối đa sức người, sức của xây dựng đường giao thông nông thôn.

Mường Ham là bản thuần nông nghiệp với diện tích lúa nước hơn 16 ha. Ban cán sự bản đã động viên nhân dân nạo vét các tuyến mương tưới, tiêu với tổng chiều dài các tuyến 1,8km, trong đó đã bê-tông hóa 1,5km, thường xuyên cấp nước bảo đảm tưới tiêu hợp lý cho cây trồng. Giáo dục và đào tạo, y tế có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%, bản đã hoàn thành phổ cập bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học Trung học phổ thông trung học đạt 100%. Trong đó có 3 học sinh đang học các trường cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp...

Về Mường Ham hôm nay, không chỉ được nghe câu chuyện Tạo Nọi lập bản, dựng mường và ngắm cảnh đẹp nơi đây, chúng tôi còn ấn tượng trước bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo và phong phú vẫn được bảo tồn, gìn giữ qua các lễ hội, qua từng làn điệu dân ca Thái.

Sức sống mới Mường Ham ảnh 3

Tiết mục khắc luống thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái.

Gần đây, xã Châu Cường đã duy trì tổ chức Lễ hội Pựn Pang-Nang Ni dựa trên nền tảng của lễ hội cổ truyền ở Mường Ham đã có trước đây. Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp cũng đã có thông báo về việc tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, và hướng dẫn tổ chức nâng cấp Lễ hội Pựn Pang-Nang Ni tại xã Châu Cường lên tầm cấp huyện.

Ở Mường Ham còn có Nghệ nhân dân gian Lương Thị Phiên đã ngoài 70 tuổi, từng là cán bộ Đoàn và làm nghề “gõ đầu trẻ”, say mê nhuôn, xuối (làn điệu dân ca Thái) vẫn đêm đêm dành thời gian tập hợp các cháu nhỏ để dạy hát dân ca và nhiều đêm thức trắng sáng tác phần lời, dàn dựng các tiết mục văn nghệ phục vụ công tác tuyên truyền của bản, của xã.

Là huyện miền núi biên giới vẫn đang còn không ít khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực chung tay của cả cộng đồng trong đó có việc phát triển kinh tế, đến nay, Mườm Ham đã có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.