Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông đã huy động hơn 72.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn. Đến nay Đắk Nông đã có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50% mục tiêu đến năm 2025; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 8% so với mục tiêu đến năm 2025.
Ngoài thành phố Gia Nghĩa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Đắk Nông chưa có địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,62 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng 0,84 tiêu chí so năm 2020. Hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, ngày càng khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai, quán triệt về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi, một số địa phương đôi lúc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu. Điều này dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ mục tiêu, nội dung của xây dựng nông thôn mới.
Kết quả giữa các địa phương có khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Chất lượng đạt chuẩn của nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thật sự bền vững.
Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chính: có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế 43 xã; bình quân toàn tỉnh đạt 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã; có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế 12 xã; có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, các địa phương đang đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, một số dự án gặp vướng mắc do thời gian triển khai ngắn, vốn cần giải ngân lớn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, về xây dựng nông thôn mới có tiêu chí ngày càng cao, vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các địa phương. Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, việc giải ngân vốn thuộc nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn đang phải chờ các cơ quan Trung ương điều chỉnh bổ sung quy định.