Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được giao
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 392/TB-VPCP ngày 24/9/2023 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trực tuyến với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và hết giai đoạn 2021-2025, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân với tinh thần trách nhiệm vì mục tiêu chung, khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị, công điện, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 555/TTg-QHĐP ngày 16/6/2023, số 666/TTg-QHĐP ngày 18/7/2023, Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 18/8/2023 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống trong giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia; thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; hướng dẫn các địa phương thực hiện hệ thống mẫu biểu báo cáo về triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, logic, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp trong quá trình nhập, tích hợp thông tin, số liệu báo cáo; hoàn thành trong quý I/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Văn bản số 6503/VPCP-NN ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 11/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu về kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tính đến ngày 30/9/2023 và ước thực hiện năm 2023, có văn bản gửi Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội trước ngày 5/10/2023; tiếp tục phối hợp Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội để đề xuất, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội phê duyệt các giải pháp, cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các Luật, Nghị quyết của Quốc hội trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp chung, định kỳ hằng tháng báo cáo về việc thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các nhiệm vụ được giao tại Thông báo này.
Thiết lập đường dây nóng hoặc hình thức phù hợp để tiếp nhận thông tin về khó khăn, vướng mắc
Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về đầu tư công; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 27/9/2023.
Đồng thời, thông báo mức vốn sự nghiệp năm 2024 và 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; hoàn thành trong tháng 9/2023.
Cơ quan này xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoàn thành trong quý II/2024.
Cùng với đó, ban hành sổ tay/cẩm nang hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tăng cường chuyển đổi số và bảo đảm thuận tiện trong quá trình sử dụng; hoàn thành trong tháng 10/2023.
Ủy ban Dân tộc thiết lập đường dây nóng hoặc hình thức phù hợp để tiếp nhận thông tin, phản ánh của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hoàn thành trong tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, ban hành danh sách thôn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên và rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định; hoàn thành trong tháng 12/2023.
Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất giải pháp để phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành trong tháng 11/2023.
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 11/2023.
Cơ quan này cần xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thiết lập liên thông dữ liệu với hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoàn thành trong quý II/2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng trong thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý IV/2023.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Văn bản số 6871/VPCP-NN ngày 7/9/2023 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.
Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật và công nghệ thực hiện các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hoàn thành trong tháng 11/2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, hoàn thiện chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá và Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoàn thành trong quý II/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, có văn bản đề xuất cụ thể các chỉ tiêu, mục tiêu được giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ cần điều chỉnh, gửi các bộ, cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 15/10/2023 để rà soát, tổng hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/10/2023. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, đề xuất của các bộ, cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh theo quy định và bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn của các địa phương; hoàn thành trước ngày 20/11/2023.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng. Trong đó, gồm có vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng, với 424,558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 478,22 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương, đã giải ngân nguồn ngân sách trung ương 1.829,106 tỷ đồng (1.414,189 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 26,19%; 414,917 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 5,69%); nguồn ngân sách địa phương là 81,356 tỷ đồng (20,065 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 4,73%; 61,291 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 12,82%) và khoảng 39,813 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp, đạt 37,14%.
Phối hợp các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước hơn 20 nghìn tỷ đồng. Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.