Người đầu tiên đưa cá tầm về nuôi ở thôn Nậm An là ông Triệu Chàn Loàng. Ngày trước, ông Loàng lái máy xúc, được đi nhiều nơi nên nắm được đặc tính, giá trị của giống cá tầm. Ông ấp ủ đưa giống cá tầm về nuôi thử nghiệm bởi quê ông ở trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, nơi đầu nguồn của con suối Nậm An, có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Năm 2020, ông Loàng sang Sa Pa (Lào Cai) học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm, từ cách xây bể đến kỹ thuật nuôi. Đầu năm 2021, gia đình ông xây ba bể cá với tổng diện tích khoảng 180m2, mua gần 6.000 cá giống về nuôi thử nghiệm. Những tháng đầu, cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng khi đàn cá có trọng lượng gần 1kg thì mắc bệnh, cá chết trắng ao, khiến ông lỗ gần 200 triệu đồng. Ông Loàng chia sẻ: "Vụ đầu thất bại do tôi chưa nắm chắc kỹ thuật chữa bệnh cho cá".
Qua kinh nghiệm từ lần đầu nuôi thử nghiệm, cuối năm 2021, ông Loàng quyết tâm đầu tư làm lại. Không còn vốn, gia đình bán cả đàn trâu, bò gần 40 con để mua đất ven suối Nậm An, đầu tư xây dựng chín bể lớn, năm bể nhỏ với diện tích gần 1.000m2 và mua hơn 10 nghìn con cá tầm giống từ Lào Cai về nuôi. Đàn cá sinh trưởng tốt, đến đầu năm 2023, ông Loàng bán lứa cá tầm thương phẩm đầu tiên, với hơn 4,3 tấn và thu về khoảng 800 triệu đồng.
Hiện trong bể vẫn còn khoảng 3 tấn cá thịt sẽ được xuất bán trong thời gian tới, với giá trị vài trăm triệu đồng. Ông Triệu Chàn Loàng vui vẻ nói: "Cá tầm có giá trị kinh tế cao, trừ chi phí mua giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, công lao động thì người nuôi có lãi từ 30-40% tổng giá trị thu về. Nhưng vui và yên tâm hơn khi đầu ra cho sản phẩm đã có các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng đánh xe lên tận nơi thu mua".
Thôn Nậm An, xã Tân Thành có hơn 40 hộ dân đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Do thôn nằm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp cho nên sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi kém hiệu quả. Sau khi mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Loàng thành công, các hộ dân nơi đây đã đến học hỏi, nhân rộng mô hình nuôi cá tầm, mở hướng cho người dân làm kinh tế, xóa nghèo bền vững. Từ cuối năm 2022 đến nay, trong thôn có thêm 13 hộ học hỏi kinh nghiệm của ông Loàng, về xây bể nuôi cá tầm, trong đó đã có ba hộ mua cá giống về nuôi.
Việc nuôi cá tầm thành công trên đỉnh Tây Côn Lĩnh của gia đình ông Loàng còn thu hút các cá nhân, doanh nghiệp từ nhiều địa phương khác đến kết hợp đầu tư, góp vốn cùng nuôi với người dân, tiêu biểu là Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Bảo Minh. Tháng 9/2022, hợp tác xã kết hợp với người dân trong thôn đầu tư xây 65 bể để ươm cá tầm giống. Hợp tác xã ươm thành công 30 vạn cá giống, hiện đã đủ điều kiện để bán ra thị trường.
Ông Trần Văn Thiện, cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Bảo Minh cho biết: Cá tầm phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước ở thôn Nậm An. Do đó, hợp tác xã quyết định phối hợp với người dân địa phương ươm giống cá tầm để cung cấp giống cho người dân trong thôn, tiến tới kết hợp với người dân nuôi cá thương phẩm. Hợp tác xã sẽ cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật, còn người dân góp đất, công chăn nuôi và xây dựng hệ thống bể nuôi.
Từ một thôn vùng cao nghèo khó, người dân thôn Nậm An nay đã, đang đứng trước cơ hội lớn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nhờ đầu tư, nuôi loài cá tầm đặc sản.