Nghệ An tôn vinh, biểu dương 120 người có uy tín

NDO - Tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín lần thứ 4, năm 2023 và gặp mặt lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số đã nghỉ hưu với sự tham dự 120 đại biểu - người có uy tín đến từ địa bàn các huyện, thị miền núi của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị tôn vinh, biểu dương người có uy tín tỉnh Nghệ An 2023.
Toàn cảnh hội nghị tôn vinh, biểu dương người có uy tín tỉnh Nghệ An 2023.

Thời gian qua, vùng dân tộc và miền núi Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh. Góp phần then chốt trong thành quả đó, vai trò của người có uy tín ngày càng được phát huy rõ nét.

Nghệ An tôn vinh, biểu dương 120 người có uy tín ảnh 1

Các bản làng ở huyện biên giới 30a Kỳ Sơn (Nghệ An) ngày càng khởi sắc có sự đóng góp to lớn của những người có uy tín.

Đây là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chính sách dân tộc và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Người có uy tín đóng góp vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản, tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác Mặt trận...

Họ là nhân tố tích cực vận động mọi người dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, phát huy dân chủ cơ sở, thực hiện quy chế tự quản... Từ đó, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở.

Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xây dựng nông thôn mới như tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở… Nhờ vậy, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi căn bản.

Nghệ An tôn vinh, biểu dương 120 người có uy tín ảnh 2

Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Hội nghị là dịp để tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của người có uy tín đối với sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đây cũng là dịp để gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu người có uy tín, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nghệ An tôn vinh, biểu dương 120 người có uy tín ảnh 3

Đời sống tinh thần của người dân ở vùng cao Nghệ An ngày càng khởi sắc, có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín ở các bản bản, làng.

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số đã nghỉ hưu và lực lượng nòng cốt ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi trong công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, góp phần ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; Đồng thời, bổ sung các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi một cách bền vững…

Vùng dân tộc và miền núi Nghệ An có diện tích tự nhiên chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, với dân số gần 1,2 triệu người người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm có 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã của tỉnh.