Mô hình khởi nghiệp của chàng trai người Tày

Từ đam mê nuôi một số loài chim quý, anh Lưu Duy Đông, người dân tộc Tày ở thôn Mý, thị trấn nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã xây dựng mô hình khởi nghiệp nuôi chim cảnh, thú rừng. Đây là mô hình khởi nghiệp độc đáo và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lưu Duy Đông bên cá thể chim công má vàng quý hiếm.
Anh Lưu Duy Đông bên cá thể chim công má vàng quý hiếm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại ở thị trấn nông trường Việt Lâm, anh Lưu Duy Đông cho biết, trang trại chăn nuôi chim cảnh, thú rừng đã bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Tổng diện tích trang trại là hơn 1,7 ha, trong đó có 4.000m2 chuồng trại chăn nuôi với hơn 1.700 con chim cảnh và thú rừng. Hai nhóm sản phẩm chính được chăn nuôi, kinh doanh là động vật làm cảnh và động vật làm thực phẩm. Trong đó, động vật làm cảnh có chim công, chim trĩ, gà lôi trắng; động vật làm thực phẩm có cầy vòi mốc, cầy vòi hương, dúi.

Để có được mô hình trang trại chăn nuôi độc đáo, phát triển ổn định như hôm nay, Lưu Duy Đông gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Anh chia sẻ, việc lựa chọn khởi nghiệp chăn nuôi chim cảnh, thú rừng bắt đầu từ năm 2016, khi đó, gia đình xin phép nuôi vài cặp chim công để làm cảnh. Sau một năm nuôi chim cảnh, Đông nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế từ nuôi chim cảnh, thú rừng vì nếu làm mô hình kinh tế chăn nuôi các loại gia súc như lợn, bò, gà thì đã có nhiều người làm, không có tính đột biến, lợi nhuận không cao.

Từ ý tưởng đó, bắt đầu năm 2017, Lưu Duy Đông đã mua các loài chim cảnh như công giống Ấn Độ, công má vàng, chim trĩ bảy mầu về nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi vài cặp giống để khảo sát và lấy kinh nghiệm. "Khó khăn nhất trong những ngày đầu khởi nghiệp là nguồn vốn đầu tư và cách chăm sóc, phòng dịch. Hầu hết các loại chim, thú rừng giống đều có giá thành cao, có cặp giống lên đến vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, các loài chin quý, thú rừng đều có thiên hướng phát triển tự nhiên cho nên rất khó khăn trong quá trình chăm sóc, phòng dịch, cho sinh sản", Lưu Duy Đông cho biết.

Mặc dù vậy, với niềm đam mê, tính kiên trì, Lưu Duy Đông từng bước tháo gỡ khó khăn để trang trại phát triển. Với đề án khởi nghiệp có tiềm năng, trang trại chăn nuôi đã tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Về kỹ thuật, anh Đông thuê kỹ sư chăn nuôi để chăm sóc, phòng dịch. Hiện tại, trang trại đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, cho sinh sản các loài quý hiếm như chim công má vàng, chim trĩ bảy mầu, cầy vòi mốc, cầy vòi hương. Bên cạnh đó, trang trại có hẳn một khu chuồng trại riêng cho các cá thể chim, thú rừng bị bệnh để thuận lợi trong việc chăm sóc, theo dõi, rút kinh nghiệm.

Để bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi, kinh doanh các loại động vật quý như chim công má vàng, chim trĩ bảy mầu, cầy vòi hương, cầy vòi mốc... trang trại chăn nuôi của Lưu Duy Đông đã xin cấp mã số trại nuôi của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổ chức thuộc Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam có chức năng quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cho phép nuôi) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang.

Qua thời gian đầu tư xây dựng, trang trại ngày một phát triển, các loài chim, thú rừng vừa bán ra thị trường, vừa nhân giống để bán cho các trang trại chăn nuôi trong khu vực. Thị trường chủ yếu là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang. Năm 2023, dự kiến tổng doanh thu của trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng.