Luân chuyển vốn để thoát nghèo ở vùng cao Hà Giang

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ giống gia súc cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Hà Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình ông Sùng Chứ Lùng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản.
Gia đình ông Sùng Chứ Lùng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản.

Với hình thức đầu tư có thu hồi một phần, luân chuyển cho nên số hộ được hưởng lợi từ dự án tăng lên, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2017, ông Sùng Chứ Lùng, thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đã đầu tư gần 30 triệu đồng để mua bò giống, trồng cỏ, cải tạo chuồng trại, trong đó gia đình ông đã bỏ vốn đối ứng trị giá 16 triệu đồng. Sau sáu năm chăm sóc, con bò của gia đình ông Lùng đã sinh bốn con bê.

Năm 2022, gia đình ông bán hai con bò trưởng thành được hơn 60 triệu đồng và trả một phần tổng số tiền được hỗ trợ cho Nhà nước để luân chuyển cho hộ nghèo khác đầu tư phát triển chăn nuôi, đồng thời đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi bò quy mô lớn hơn.

Gia đình ông Lùng nay đã có thu nhập từ 15 triệu đến 20 triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi bò sinh sản, cùng với các nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên thuộc hộ trung bình của xã.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lũng Cú, Ma Doãn Khánh cho biết, trong các năm 2017 và 2019, xã có 132 hộ được hỗ trợ bò sinh sản, 92 hộ được hỗ trợ giống dê và đã phát huy hiệu quả tốt, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi, xóa nghèo bền vững.

Đến nay, 90% số hộ dân trong xã có giống gia súc sinh sản, toàn xã có tổng đàn bò hơn 5.000 con, đàn dê gần 1.000 con, thu nhập bình quân đầu người ở Lũng Cú đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm, trong đó 40% nguồn thu nhập nhờ chăn nuôi.

Cũng với cách làm ấy, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ chăn nuôi để hỗ trợ người nghèo có giống gia súc, chủ yếu là trâu, bò, dê, lợn.

Từ năm 2017, thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020; 2021-2025), tỉnh đã đầu tư hơn 85 tỷ đồng thực hiện gần 350 mô hình chăn nuôi gia súc với khoảng 7.000 hộ được hưởng lợi.

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua hình thức đầu tư giống gia súc sinh sản có thu hồi một phần (hơn 30%), luân chuyển đã nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ con giống, chăm sóc vật nuôi. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý.

Các địa phương khi được giao kế hoạch giải ngân đều cắt cử cán bộ phụ trách giám sát, hỗ trợ người dân ngay từ khâu chọn con giống, đến khâu chăm sóc, theo dõi dịch bệnh.

Do đó, các địa phương đã thu hồi, luân chuyển nguồn vốn để nhân lên số hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án, trung bình mỗi con trâu, bò đã sinh từ hai đến ba con, đàn dê, lợn sinh từ bốn đến năm lứa. Người chăn nuôi không những trả được tiền thu hồi để luân chuyển theo quy định mà còn có nguồn thu nhập ổn định.

Hiệu quả của Dự án đã đóng góp vào sự phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, hiện tổng đàn trâu có hơn 158 nghìn con, đàn bò 125 nghìn con, đàn dê, lợn khoảng 600 nghìn con.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ giống gia súc sinh sản ở một số địa phương đạt kết quả chưa cao do người dân còn tư tưởng ỷ lại, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi dẫn đến gia súc được hỗ trợ kém phát triển, ốm, chết.

Nhiều địa phương triển khai, hỗ trợ giống gia súc cho người dân nhưng chưa tính toán sự phù hợp của giống vật nuôi với điều kiện khí hậu, kinh nghiệm chăn nuôi cho nên mô hình kém hiệu quả. Đây là những vấn đề được các địa phương ở tỉnh Hà Giang đã, đang rút kinh nghiệm để triển khai dự án hiệu quả hơn.