Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mùa khô 2023-2024, tỉnh đã chủ động ứng phó với hạn, mặn nhờ phát huy hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi thuộc các dự án ngọt hóa những vùng đất phèn, mặn. Trong đó, dự án thủy lợi Tầm Phương được hoàn thành năm 1989 với nhiều hạng mục công trình quan trọng đã phát huy tốt hiệu quả. Dự án đã đào mới bốn kênh cấp I, gồm: Tầm Phương, Thanh Nguyên, Bắc Phèn, Ô Xây dài gần 25 km; đào 49 kênh cấp II tổng chiều dài 77,9 km, lắp đặt 44 cống thủy lợi cấp II và đào 354 kênh cấp III, lắp đặt 354 cống thủy lợi cấp III.
Trước đây, phần lớn diện tích lúa của huyện Châu Thành chỉ sản xuất được hai vụ mỗi năm, năng suất bấp bênh. Các công trình thuộc dự án thủy lợi Tầm Phương đã tiếp ngọt, rửa phèn, mặn cho 7.000 ha đất nông nghiệp tại các xã Thanh Mỹ, Lương Hòa A, một phần diện tích các xã Mỹ Chánh, Đa Lộc của huyện Châu Thành. Hiện, 100% diện tích hưởng lợi vùng dự án đã canh tác ba vụ lúa/năm, năng suất bình quân khoảng 5,5 tấn/ha/vụ.
Còn hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít, thuộc dự án phát triển thủy lợi, giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, có 80% các hạng mục công trình được triển khai tại tỉnh Trà Vinh. Vùng hưởng lợi dự án bao gồm các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Dự án tiếp ngọt từ sông Măng Thít qua kênh Trà Ngoa để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho toàn bộ vùng hưởng lợi; đồng thời, tiếp ngọt cho kênh 3 tháng 2, bảo đảm nguồn nước cho vùng ven biển Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải.
Theo đó, Trà Vinh đã được đầu tư xây dựng 30 cống thủy lợi cấp I, cấp II, 50 km đê bao, 60 cầu bê-tông nằm trên trục các tuyến đê và 200 km kênh cấp II. Hệ thống cống thủy lợi nằm trên tuyến đê bao ngăn mặn phía sông Cổ Chiên gồm Bến Chùa, Thâu Râu, Vinh Kim, Ngãi Hiệp, Láng Thé, Cái Hóp; phía sông Hậu gồm các cống La Bang, Trà Cú, Cần Chông, Chông Văn, Rạch Rum, Bông Bót. Hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít đáp ứng được nhu cầu ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp của tỉnh…
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh Lê Phước Dũng cho biết, mùa khô 2023-2024, công ty vận hành linh hoạt hệ thống cống ngăn mặn, tăng cường trữ ngọt, tiếp ngọt cho các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang. Hệ thống kênh, rạch trong nội đồng đạt cao trình 0,5m, đủ nước ngọt phục vụ sản xuất cho hơn 22.000 ha lúa đông xuân vùng khắc nghiệt về nguồn nước tưới.
Tháng 8/2022, dự án Trạm bơm kênh 3 tháng 2, tỉnh Trà Vinh với tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng được đưa vào khai thác. Công trình cung cấp nguồn nước ngọt cho khoảng 25.936 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; đồng thời, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Khu kinh tế Định An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...
Tham gia đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, vụ lúa hè thu 2024, Trà Vinh là một trong năm tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai thí điểm thực hiện mô hình. Theo đó, tổng diện tích tham gia đề án của tỉnh Trà Vinh là 650 ha với hai tiểu vùng sản xuất gồm phía đông của Quốc lộ 53 là 250 ha, canh tác hai vụ lúa/năm; phía tây của Quốc lộ 53 là 400 ha, canh tác ba vụ lúa/năm.
Cuối tháng 3/2024, trong đợt khảo sát, định vị mô hình tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, đơn vị được chọn tham gia thí điểm đề án tại tỉnh Trà Vinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp lưu ý các thành viên của hợp tác xã cần áp dụng quy trình tưới khô xen kẽ, “1 phải, 5 giảm”; đồng thời, phải chủ động quản lý nước cho ruộng lúa. Giai đoạn 30 ngày đầu, ruộng ngập nước sẽ phát thải khí cao do phân hủy các chất hữu cơ; sau vụ lúa, quá trình vùi rơm rạ phải thực hiện trước và trong thời gian 30 ngày.
Nếu không chủ động quản lý nước trong quá trình canh tác lúa sẽ khó kiểm soát quá trình phân hủy các chất hữu cơ, rơm, cỏ mục; trong đó, phát thải chủ yếu là khí metan, khoảng 200 kg/ha và khí này thải ra cao gấp 28 lần so với khí carbonic-oxy khi phát thải trong ruộng lúa. Mặc dù lượng khí metan thải ra trong sản xuất lúa rất thấp nhưng tác động về môi trường lại cao gấp 260 lần so với khí carbonic-oxy…