Sản xuất lúa sinh thái, bảo tồn sếu đầu đỏ

Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim đã được triển khai hơn 1 năm. Kết quả bước đầu cho thấy hệ sinh thái vùng đất ngập nước tự nhiên này dần được phục hồi, nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng cũng bắt đầu hồi phục.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Tháp (người bên phải) thăm mô hình lúa sinh thái của nông dân.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Tháp (người bên phải) thăm mô hình lúa sinh thái của nông dân.

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích 7.313 ha, là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Vườn có hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim đặc hữu của vùng. Đặc biệt nơi đây có sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng được cả thế giới quan tâm bảo vệ. Năm 2012, vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động khác đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim thay đổi, có nhiều loài động vật, thực vật suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần… làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ. Ngoài ra, cũng phần nào do việc canh tác nông nghiệp quá mức hiện nay, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách.

Để hiện thực hóa ước mơ “Đưa đàn sếu trở về”, tỉnh đã xây dựng và phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”, được sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng xây dựng đề án trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm câu chuyện thành công từ chương trình bảo tồn sếu tại Vương quốc Thái Lan.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng sếu, tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim, đề án còn có nhiệm vụ quan trọng là phục hồi hệ sinh thái, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc bảo đảm sinh kế cho người dân và môi trường chung quanh vùng nuôi thả sếu về môi trường tự nhiên. Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ được thực hiện tại khu vực tiếp giáp khu A4 của vườn, gồm ô bao số 25 xã Phú Đức và ô bao số 43B xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông).

Bắt đầu từ năm 2023 đến 2027 đạt diện tích 200 ha và đến năm 2032 phát triển nhân rộng mô hình ra khu vực vùng đệm. Vùng lúa sinh thái-hữu cơ sẽ là nơi phục hồi đa dạng sinh học, giảm tác động từ canh tác lúa sử dụng hóa chất và tận dụng lợi thế mùa nước nổi. Phát triển vùng lúa sinh thái-hữu cơ là nơi có tiềm năng xây dựng thương hiệu “Gạo sếu Tam Nông” ở thị trường nội địa và quốc tế. Trên nền tảng đó sẽ gắn kết vùng lúa sinh thái-hữu cơ với du lịch sinh thái-du lịch ruộng vườn và tạo ra nông sản an toàn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông, sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ bắt đầu thực hiện từ vụ hè thu 2023, với quy mô 39 ha/4 hộ tham gia. Đến vụ hè thu 2024, diện tích tăng lên 312,5 ha/41 hộ (tăng 112,5 ha so với kế hoạch). Nông dân ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, nếu như trước đây sạ 20 kg lúa giống/công (1.000 m2) thì bây giờ chỉ sạ 10 kg/công. Rơm rạ bây giờ không đốt mà dùng chế phẩm, phương pháp cày vùi để hạn chế khói bụi ô nhiễm. Về mùa vụ, nông dân vẫn giữ nguyên 3 vụ/năm; áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm phân, thuốc hóa học và tăng phân hữu cơ.

Khi áp dụng, năng suất lúa có giảm nhưng không nhiều, thay vào đó tiết kiệm được chi phí cho phân bón, thuốc hóa học nên lợi nhuận nhiều hơn. “Sản xuất lúa kiểu truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường vì độc hại từ phân bón hóa học, khói bụi từ đốt rơm rạ. Gia đình tôi chuyển sang mô hình lúa sinh thái để tạo môi trường xanh-sạch-đẹp với hy vọng Nhà nước có thể tổ chức thả sếu, bà con đón sếu về” - nông dân Nguyễn Văn Mẫn, sinh năm 1962, ngụ ấp Phú Xuân chia sẻ.

Để việc thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ có hiệu quả, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị lưu ý ngành chức năng, địa phương cần hỗ trợ người dân sống chung quanh các khu vực đất ngập nước chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững, như: Khai thác hình ảnh sếu đầu đỏ và các hệ sinh thái đất ngập nước để phát triển du lịch sinh thái, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân và tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn; hỗ trợ người dân áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, giảm tác động đến hệ sinh thái tự nhiên.

Qua hơn một năm thực hiện đề án tại huyện Tam Nông, nông dân không chỉ được bảo vệ sức khỏe mà còn tạo ra sản phẩm lúa gạo giá trị cao, góp phần bảo vệ môi trường; đặc biệt là thực hiện được mục tiêu tạo môi trường sinh thái an toàn cho sếu đầu đỏ có thể sinh sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim.