Trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Bến Tre, hiện nay, nuôi tôm nước lợ chiếm hơn 75%. Năm 2024, toàn tỉnh có 36.000 ha nuôi tôm nước lợ với nhiều mô hình.
Nuôi tôm nước lợ ở Bến Tre đã chuyển nhanh từ nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở ba huyện: Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú.
Năm 2024, ước giá trị ngành tôm nước lợ chiếm khoảng 53% tổng giá trị nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bến Tre với hơn 6.300 tỷ đồng. Nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm công nghệ cao với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm, có hộ lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng/năm.
Gia đình ông Ðặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gần 7 năm qua; nhiều năm liền, ông Bảy được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Ông Bảy cho biết: "Gia đình tôi có 50 ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao được chia làm 6 khu nuôi. Tất cả đều ứng dụng công nghệ hiện đại, như: Nhà lưới, máy cho ăn tự động, máy tạo ô-xy, máy sụt khí clo xử lý nước… để nuôi tôm bốn giai đoạn, mang lại hiệu quả cao".
Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Bảy thu hoạch hơn 600 tấn tôm, lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng. Tính đến cuối năm, gia đình ông sẽ thu hoạch thêm vụ tôm nữa.
Bình Ðại là huyện đi đầu trong phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bến Tre với tổng diện tích hơn 1.800 ha của 509 hộ. Thực tế cho thấy, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu điểm, hiệu quả, an toàn hơn so với nuôi tôm thâm canh ao đất truyền thống.
Như việc chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước, sức khỏe tôm, dịch bệnh, mật độ tôm từng giai đoạn…Từ đó, nâng cao tỷ lệ sống, cỡ tôm lớn hơn dẫn đến năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích cao hơn, đồng thời rất thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 3.610 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình 700-800 triệu đồng/ha/vụ nuôi. Năm 2024, ước sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hơn 90.250 tấn, chiếm hơn 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre Châu Hữu Trị cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín và có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ðầu tư khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị ngành tôm.
Thời gian qua, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Bến Tre dần được hoàn chỉnh tại các vùng nuôi tập trung. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Ðại Huỳnh Văn Mai cho biết, huyện đang tập trung thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản, trong đó, dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản xã Ðịnh Trung với kinh phí 83,1 tỷ đồng gồm nạo vét tuyến kênh; xây dựng đường, cống; đầu tư hạ tầng điện đã đưa vào sử dụng.
Tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Bình Ðại; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao huyện Bình Ðại; dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã đề xuất Cục Ðiện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) xây dựng các trạm biến áp 110 kV tại các vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn ba huyện: Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðoàn Văn Ðảnh cho biết, theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, trong giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh phát triển 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ðến nay, đã phát triển hơn 3.600 ha, đạt khoảng 90% so chỉ tiêu. Tỉnh cũng đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở cho việc tích hợp vào phương án quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch tỉnh theo hướng phát triển nhanh, bền vững nghề tôm nước lợ nói chung, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nói riêng, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường về sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.