Vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang là nơi chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn hằng năm. Để "sống chung" với hạn hán, xâm nhập mặn, người dân đã có sự chuẩn bị từ trước nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Gia đình ông Lê Văn Tín, ngụ xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông trồng 0,4 ha lúa. Kết thúc vụ hè thu 2024, ông đã thuê máy móc cải tạo lại đất để chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân 2024-2025. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã thông báo tình hình hạn, mặn gay gắt và có khả năng ảnh hưởng đến các diện tích lúa xuống giống trễ vào cuối vụ. Vì vậy, ông quyết định chuyển từ đất lúa sang trồng rau ăn lá ngắn hạn.
Ông Tín cho biết: "Các vụ lúa trước đây, gia đình không nghe theo khuyến cáo của địa phương nên năng suất lúa bị giảm 60% do khô hạn. Năm nay, chúng tôi quyết định chuyển đổi để tránh thiệt hại. Mặc dù chi phí cải tạo lại đất cho phù hợp trồng rau ăn lá cao hơn trồng lúa nhưng chúng tôi vẫn phải làm cho an toàn".
Gò Công Tây là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang. Hiện toàn huyện đã xuống giống gần 7.640 ha lúa đông xuân, trong đó, diện tích xuống giống sau ngày 20/12 (sau lịch thời vụ của ngành nông nghiệp) khoảng 1.250 ha. Có khả năng, diện tích lúa xuống giống sau ngày 20/12 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Văn Nê cho biết, để phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô này, địa phương tập trung khơi thông dòng chảy, trục vớt lục bình; kiểm tra, xử lý rò rỉ tại các cống cặp sông lớn, bảo đảm ngăn mặn triệt để; tổ chức bơm chuyền nước từ các kênh trục vào các kênh nội đồng, kênh sườn trong trường hợp xâm nhập mặn gay gắt.
Cách đây hơn hai tháng, ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) thuê nhân công gần 200 triệu đồng để nạo vét toàn bộ hệ thống mương vườn với diện tích gần 5 ha chuyên trồng dừa, bưởi da xanh, quýt; bồi đất vào gốc cây và trữ nước ngọt trong vườn. Mấy ngày nay, nước mặn đã "bao vây" nhưng vườn cây ăn quả của gia đình ông vẫn an toàn do có sự chủ động ứng phó từ trước.
Ông Bảy cho biết: "Hiện tại, hệ thống quan trắc kiểm soát hạn, mặn tự động được gia đình đầu tư mang lại hiệu quả rất cao. Hằng ngày, độ mặn được hệ thống báo chính xác qua điện thoại để chủ động ứng phó. Cách đây 5 ngày, hệ thống máy thông báo độ mặn 0,6 g/l, tôi báo ngay cho người dân chung quanh đóng các cống và trữ nước ngọt trong mương vườn".
Năm nay, nước mặn xâm nhập sớm và diễn biến rất phức tạp. Do đó, huyện Giồng Trôm đã có nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Vũ Phong cho biết, ngành nông nghiệp đã chủ động đóng bốn cống lớn và một loạt cống nhỏ trong nội đồng để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nông dân. Hiện tại, độ mặn trong nội đồng đo được chỉ ở mức 0,3 đến 0,5 g/l nên bảo đảm nước tưới. Địa phương đã khuyến cáo người dân trữ nước ngọt, sử dụng các giải pháp canh tác tiết kiệm nước để hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và có thời điểm cao hơn mùa khô 2023-2024. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 đến sớm hơn mùa khô 2023-2024 gần 25 ngày. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu dự báo để điều chỉnh phương án phòng, chống phù hợp. Ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để vận hành hệ thống cống thủy lợi. Cụ thể, khi cống Xuân Hòa có điều kiện lấy nước ngọt, sẽ vận hành lấy nước để phục vụ sản xuất cho vùng ngọt hóa Gò Công. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai phương án bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, trong đó tích trữ nước vào ao chứa, vận hành giếng khoan, mở các vòi nước công cộng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân kịp thời.
Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai nói chung và hạn, mặn nói riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân; cũng như được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tình hình thiên tai thời gian tới sẽ diễn biến ngày càng cực đoan, phức tạp, không theo quy luật; do vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức phù hợp bảo đảm có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường; bố trí, chỉ đạo sản xuất hợp lý, phù hợp điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; áp dụng các ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm.