Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, có hơn 1.300 ha lúa đông xuân muộn tập trung ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A và thị trấn Vĩnh Viễn của huyện Long Mỹ. Số diện tích này được nông dân xuống giống từ khoảng cuối tháng 12/2024 đến đầu tháng 1/2025. Hiện, các trà lúa này đang trong giai đoạn mạ.
Theo bà con nông dân, do xâm nhập mặn năm 2024 kéo dài, phải đợi lúc mưa nhiều mới bắt đầu canh tác vụ lúa hè thu muộn năm 2024. Từ đó, kéo theo các vụ thu đông và đông xuân 2024-2025 phải gieo sạ trễ hơn so với mọi năm.
Theo ông Đinh Thanh Dững, Giám đốc Hợp tác xã Đại Phát, trên địa bàn Ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hợp tác xã có 145 ha đất canh tác lúa, trong đó hiện có khoảng 30 ha nông dân xuống giống được khoảng 20 ngày tuổi; các diện tích còn lại, lúa được 35-45 ngày tuổi. Như vậy, các trà lúa đông xuân sạ muộn nhất của hợp tác xã trễ hơn khoảng 20 ngày so với cùng kỳ.
Vụ lúa đông xuân 2024-2025 muộn, đa phần nông dân gieo sạ giống lúa Đài thơm 8. Theo thời gian sinh trưởng, cuối tháng 2 và đầu tháng 3 tới, các trà lúa này sẽ rơi vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Đây là giai đoạn lúa rất cần nguồn nước ngọt để nuôi hạt, trong khi đây cũng là thời điểm thường xuất hiện cao điểm xâm nhập mặn hằng năm. Do đó, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng và sử dụng nguồn nước ngọt hợp lý thì khả năng cây lúa sẽ bị ảnh hưởng và làm giảm năng suất khi thu hoạch là chuyện khó tránh khỏi.
Giám đốc Hợp tác xã Đại Phát Đinh Thanh Dững cho biết thêm: "Chúng tôi đang phối hợp ngành chức năng của huyện tiến hành kiểm tra và khắc phục công tác vận hành đóng, mở tại các trạm bơm do Hợp tác xã quản lý nhằm bảo đảm hoạt động tốt khi có nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn hằng ngày từ nhóm Zalo bản tin thời tiết nông vụ của xã. Khi độ mặn ở mức cao thì tiến hành thông báo cho người dân biết để có biện pháp ứng phó hiệu quả nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa đông xuân, hạn chế bị thiệt hại do mặn gây ra".
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, dự báo của cơ quan chuyên môn cho biết, mùa khô năm 2025 tại Nam Bộ sẽ kéo dài, khắc nghiệt với nhiệt độ cao và lượng mưa thiếu hụt. Đặc biệt trong mùa khô, do biến đổi khí hậu và hiện tượng ENSO, dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương có kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trước, trong và sau Tết phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho bà con nông dân vùng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Các địa phương cần xác định khu vực bị ảnh hưởng và triển khai giải pháp phù hợp trên địa bàn quản lý; thường xuyên cử cán bộ kiểm tra độ mặn trên sông chính, khi đo được 1,5‰ cần vận hành cống, đập và đắp đập thời vụ để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, chủ động sử dụng nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả...
Long Mỹ là địa bàn thường chịu ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm, do vậy, ngay từ đầu năm, huyện này đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và thích ứng với xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2025 trên địa bàn; phân công, giao việc cụ thể cho từng đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương trong huyện nhằm chủ động thực hiện tốt các giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa theo phương châm "4 tại chỗ".
Huyện đặc biệt lưu ý xã Lương Nghĩa và Vĩnh Viễn A phải thật chủ động có giải pháp hiệu quả phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cụ thể cho từng ấp và vùng sản xuất...