Vĩnh Tế - dòng kênh lịch sử

Trải qua 200 năm, kênh Vĩnh Tế đã thể hiện sức lao động sáng tạo của người xưa về mặt trị thủy, giúp vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long thêm trù phú, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh Vĩnh Tế góp phần cung cấp phù sa, tôm cá cho đồng ruộng.
Kênh Vĩnh Tế góp phần cung cấp phù sa, tôm cá cho đồng ruộng.

Kênh Vĩnh Tế với chiều dài gần 91 km bắt đầu từ sông Châu Đốc thuộc phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang nối với sông Giang Thành thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Lịch sử ghi: Tháng 9/1819, vua Gia Long ra lệnh Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại làm Đổng lý, đào kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Năm 1824, con kênh đào xong. Qua 200 năm lịch sử cho đến nay, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là kênh đào thủ công quý giá của vùng biên, khẳng định chủ quyền bờ cõi.

Chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc qua thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đến huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang mới thấy tầm nhìn chiến lược của người xưa khi cho đào con kênh này, dòng kênh giúp tàu bè tải trọng hơn 100 tấn lưu thông qua lại dễ dàng.

Ngay đầu bờ kênh, phố thị các phường thành phố Châu Đốc hoạt động náo nhiệt ngày đêm. Chạy sâu vào các huyện, thị xã khác thì nơi phố xá biên thùy sầm uất, nơi thôn xóm bình yên, nơi ruộng đồng bát ngát. Một buổi trưa tại xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, chúng tôi gặp nhóm ngư dân nằm nghỉ ngơi sau một đêm đánh cá trên đồng, còn phụ nữ thì đang phân loại cá để bán.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu chia sẻ, vào mùa lũ con kênh đưa nước dâng ngập các cánh đồng, tôm cá nhiều giúp cho hàng trăm người nghèo như chị có thêm thu nhập từ nghề cá; rồi cả rau thủy sinh như bông súng, điên điển giúp hàng nghìn người có cuộc sống ổn định trong 4 tháng mùa nước nổi.

Men theo dòng chảy, kênh Vĩnh Tế như “dòng sữa mẹ” ngoài việc tiếp nước cho các kênh khác như Trà Sư, Tha La, Võng Xã, T3, T4, T5 còn san sẻ nguồn thủy sản tự nhiên. Ngay cả vùng đất cao như các xã Văn Giáo, An Cư, Vĩnh Trung thuộc thị xã Tịnh Biên ngày trước vốn khô cằn quanh năm nhưng nhờ kênh Vĩnh Tế đã thay đổi. Trưởng ban Quản lý các trạm bơm điện thị xã Tịnh Biên Trương Minh Thức nhớ lại, vì địa thế ở vùng đất cao, khan hiếm nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho nên 3 xã nêu trên 1 năm chỉ trồng được 1 vụ lúa.

Năm 1990, Nhà nước xây dựng Trạm bơm 3/2 lấy nước từ kênh Vĩnh Tế mang tới ruộng đồng cho gần 1.500 ha. Việc chủ động dẫn được nước tưới đã giúp đồng bào dân tộc Khmer 3 xã vùng cao mạnh dạn chuyển dịch cây trồng, tăng mùa vụ trồng lúa, vụ trồng đạt năng suất 5,4-7,3 tấn/ha thay vì 4,5 tấn/ha như trước đây cho nên cuộc sống người dân khá hơn.

Nông dân Huỳnh Ngọc Anh, ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn khi nói về kênh Vĩnh Tế luôn khâm phục các thế hệ trước. Ông kể, lúc trước xã Lạc Quới người thưa thớt, ruộng bỏ hoang, đất dậy phèn, cỏ mọc đầy do không có nước tưới, chỉ trồng được lúa lúc có mưa cho nên năng suất rất thấp.

Tháng 4/1997, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đào kênh T5 nối kênh Vĩnh Tế, đã làm thay đổi cả vùng đất này. Ông Anh vẫn nhớ rõ, tháng 8/1997 kênh T5 khơi thông dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vào. Thời gian sau, vùng Lạc Quới thay đổi hoàn toàn, đất ruộng không còn bỏ hoang, lúa trồng quanh năm, người dân đến sinh sống, làm ăn ngày càng nhiều, xóm làng đông vui, đất ruộng cũng có giá theo.

Còn nông dân Nguyễn Văn Hạo, ngụ xã Vĩnh Tế chia sẻ: “Kênh Vĩnh Tế mang phù sa bồi đắp cho vựa lúa tứ giác Long Xuyên. Qua hàng trăm năm, dòng nước của kênh Vĩnh Tế như ngấm vào máu thịt và là niềm tự hào của chúng tôi về một dòng kênh lịch sử”.

Đối với nông dân, kênh Vĩnh Tế mang đến cho họ sự ấm no, còn qua cái nhìn của các nhà nghiên cứu, con kênh có nhiều đóng góp quan trọng. Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: Kênh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn, khát vọng và tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc của các bậc tiền nhân trong mở rộng, giữ vững bờ cõi vùng đất Nam Bộ.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện: Là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa, là nơi cung cấp nước ngọt phù sa cho cả vùng tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước; là công cụ điều tiết nước ngọt và thoát nước, ngăn chặn và giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn... Ngoài ra, có thể khai thác làm du lịch như tham quan bằng thuyền theo dòng kênh, khám phá cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống ven sông, tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất và con người, trải nghiệm đời sống thương hồ và đặc trưng mùa nước nổi...