Độc đáo mô hình trồng thanh long trong vuông tôm

Mô hình trồng thanh long sinh thái trên vùng ngập mặn của người dân ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, tỉnh Cà Mau được đánh giá mới mẻ, độc đáo, đạt hiệu quả kinh tế; được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao và khuyến khích nông dân áp dụng.
Ông Mai Lam Phương với niềm vui từ vườn thanh long trên vuông tôm của mình.
Ông Mai Lam Phương với niềm vui từ vườn thanh long trên vuông tôm của mình.

Trên mảnh đất nuôi tôm của gia đình, sau nhiều năm canh tác, ông Mai Lam Phương ở ấp Ngọc Tuấn nhận thấy năng suất tôm ngày càng giảm. Vì thế, việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sao cho phù hợp, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu là điều phải làm.

Ban đầu, ông thử nghiệm các mô hình trồng màu, cây ăn trái trên bờ bao nhưng do đất nuôi tôm nhiễm mặn nặng nên không hiệu quả. Một lần tình cờ phát hiện trong vuông nuôi tôm có bụi thanh long đeo bám trên thân cây mắm, dù không được chăm sóc nhưng tới mùa là cho trái rất ngon ngọt, ông mừng thầm và nuôi ý tưởng nghiên cứu mô hình trồng.

Với mong muốn phát triển vườn thanh long sinh thái, ông Phương vừa nhân giống, vừa tiến hành trồng cây mắm trên khắp vuông tôm với diện tích gần 1 ha. Qua 5 năm trồng và thực nghiệm, vườn thanh long trồng ký sinh trên thân cây mắm của ông đã phát huy hiệu quả. Ông nhanh chóng bắt tay vào thực hiện mô hình trên tất cả bờ vuông tôm. Với cách trồng này, rễ thanh long lại bám chặt, sống ký sinh, lấy chất dinh dưỡng trực tiếp từ cây mắm nên phát triển rất tươi tốt.

Ông Phương vui vẻ cho biết: "Trước đó, tôi cũng đưa giống thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang... mang về đây nhưng trồng không sống được. Khi thấy cây thanh long tại địa phương ngã xuống nước mặn mà vẫn mọc, vẫn sống được nên tôi đem về trồng. Ban đầu, do không có khả năng kinh tế đổ trụ đá để làm giá thể cho cây, nên trồng thanh long bằng cách cho leo lên thân cây mắm trên bờ vuông. Thực tế, các loại cây đước, giá, vẹt, thậm chí là cây dừa to lớn khi bị thanh long đeo bám dần chết khô và những dây thanh long đang cho trái ngọt cũng tàn theo. Chỉ có dây thanh long bám trên thân cây mắm không ngừng sinh trưởng mà bản thân cây mắm vẫn tốt tươi bình thường. Vườn thanh long giữa lòng vùng đất mặn mỗi năm đều đặn giúp gia đình tôi có nguồn thu hàng chục triệu đồng".

Trên diện tích đất vuông tôm của gia đình, nơi nào cây mắm đủ lớn để làm trụ đỡ được thì ông Phương đều trồng thanh long. Hiện nay, mô hình "thanh long ôm gốc mắm" của ông đã đạt hơn 1.000 gốc và phát triển tốt bất chấp mặn xâm nhập. Ðúc kết được kinh nghiệm trồng thanh long trên vùng đất mặn, ông Phương dần thay các loại cây khác bằng cây mắm.

Hiện mô hình "có một không hai" của gia đình ông đã cho nguồn thu nhập ổn định. "Ưu điểm của mô hình này là tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Cây thanh long trồng ký sinh trên thân cây mắm chỉ cần trồng một lần, nhờ cây mắm sống tự nhiên nên không cần phải đầu tư thay thế cây trụ để làm giá thể. Thanh long là loài cây thuộc họ xương rồng, có sức sống mãnh liệt.

Nhờ vậy, mặc dù cây mắm sống trong môi trường nước mặn, nhưng qua quá trình trao đổi chất và cung cấp chất dinh dưỡng của cây mắm đã giúp cho cây thanh long phát triển một cách tự nhiên mà không cần phải chăm sóc, bón phân và kể cả tưới tiêu như loài thanh long ruột đỏ trồng trên đất vườn" - ông Phương chia sẻ.

Giá trị của mô hình này đã được khẳng định thông qua các cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" do con trai ông Mai Lam Phương là Mai Trúc Lâm, sinh viên Trường đại học Gia Ðịnh, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, đạt được nhiều giải thưởng lớn như: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2019 của Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; cuộc thi Én xanh 2019 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các Hội khoa học và công nghệ (VUSTA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) tổ chức.

Mới đây, đề tài nghiên cứu "Thanh Long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn" lại tiếp tục đoạt giải cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia do VCCI tổ chức. Ở hầu hết các cuộc thi, đề tài này đều được hội đồng khoa học đánh giá cao bởi tính sáng tạo, khả thi, hiệu quả kinh tế và lợi ích cộng đồng để phát triển ở vùng nước ngập mặn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước Nguyễn Chí Cường cho biết: Mô hình của ông Mai Lam Phương không chỉ giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định hằng năm mà còn hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp, thủy sản ngày càng khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân. Vì thế, việc chủ động tạo dựng mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng thiên nhiên đang là đòi hỏi tất yếu.

Theo các nhà khoa học nông nghiệp, mô hình "thanh long ôm gốc mắm" khi được nhân rộng tại vùng đất ngập mặn ở tỉnh Cà Mau không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn tăng diện tích rừng ngập mặn, giúp cải thiện môi trường sinh thái địa phương.