thích ứng biến đổi khí hậu

Áp dụng mô hình IMO trong sản xuất nông nghiệp

Đến nay, mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” (mô hình IMO) được thực hiện tại 5/12 huyện, thành phố của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia tham quan hộ nông dân trồng nhãn huyện Châu Thành áp dụng mô hình IMO.
Các chuyên gia tham quan hộ nông dân trồng nhãn huyện Châu Thành áp dụng mô hình IMO.

Nông dân Nguyễn Văn Đức, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, gia đình ông có 6 công đất trồng mít, khoai, đậu… Áp dụng mô hình IMO đã giảm được chi phí phân bón và mua thuốc bảo vệ thực vật, đạt lợi nhuận cao hơn 25% so với chưa áp dụng mô hình và nhất là không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

“Tất cả rác thải hữu cơ phát sinh hằng ngày đều được tôi tận dụng lại để tạo ra phân hữu cơ vi sinh phục vụ canh tác đất vườn và cây ngắn ngày. Nhờ đó, cây trồng tăng năng suất, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Sau khi dùng chế phẩm phân hữu cơ từ mô hình IMO để tưới trên vườn thì đất tơi xốp, cây phát triển, xanh tốt, ít sâu bệnh, cho quả to và đều, mầu sắc sáng bóng, tránh bị úng thối”, ông Nguyễn Văn Đức cho biết thêm.

Tại Châu Thành, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 81% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện; sản phẩm chủ lực là cây ăn trái, thủy sản nuôi trồng và hoa màu. Ước tính lượng phụ, phế phẩm phát sinh từ trồng trọt toàn huyện khoảng 198.000 tấn/năm.

Huyện Châu Thành đã tập trung nhân rộng mô hình IMO. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 64 tổ với gần 1.900 thành viên tham gia; phổ biến mô hình đến 77/77 chi hội và 632/632 tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán; thu gom và xử lý hơn 65 tấn rác hữu cơ và tạo ra 16.850 lít men vi sinh IMO và 20.455 kg men IMO gốc...

Năm 2023, mô hình điểm tại xã An Nhơn đã tạo được hiệu ứng lan tỏa trên toàn huyện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn của huyện cùng Hội Nông dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan định hướng, hướng dẫn người dân khai thác phụ, phế phẩm nông nghiệp, biến chúng thành sản phẩm “đầu vào” phục vụ lại sản xuất để đạt giá trị cao hơn và tạo ra nhiều chuỗi nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn huyện...

Theo nông dân Lê Hoàng Trung, ấp Tân An, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, xã được chọn làm điểm mô hình IMO trên địa bàn huyện. Ông Trung được Hội Nông dân xã mời dự tập huấn do chuyên gia Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam, hướng dẫn kỹ thuật tạo chế phẩm vi sinh IMO làm ra đất TAMA. Đây là chương trình vi sinh IMO hữu cơ mới, giảm được giá thành, giảm công, làm ra sản phẩm sạch, an toàn và góp phần bảo vệ môi trường.

“Tôi thấy mô hình này rất đáng để nhân rộng trong cộng đồng. Từ kinh nghiệm đạt được, tôi cố gắng cùng Hội Nông dân xã nhà tiếp tục phát triển mô hình IMO, nhân rộng quy mô nuôi vịt sạch, trồng thí nghiệm gần 100 chậu khoai và ớt cách ly với đất, hiện cây phát triển cho trái, củ tốt”, ông Lê Hoàng Trung cho biết thêm.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân xã Tân Huề đề xuất thành lập Câu lạc bộ ứng dụng men vi sinh (IMO) trong canh tác nông nghiệp. Đến nay, câu lạc bộ có 30 thành viên thuộc bốn ấp trên địa bàn xã. Các thành viên câu lạc bộ và các hội viên trong xã đã ngâm ủ hơn 35 tấn phân hữu cơ IMO từ lục bình, rơm rạ để phục vụ canh tác hơn 1,5 ha xoài, sầu riêng. Mới đây, câu lạc bộ còn được các đơn vị liên quan của huyện giao làm đầu mối cung ứng chế phẩm đầu vào thực hiện việc xử lý mùi hôi và côn trùng bãi rác xã Tân Huề; chuẩn bị thực hành canh tác ớt hữu cơ, định hướng mô hình trang trại khép kín...

Mô hình IMO được Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thí điểm tại huyện Châu Thành vào năm 2023, đến nay, đã nhân rộng thêm tại bốn huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười.

Với bốn huyện nhân rộng, các hội viên được tập huấn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho 1.140 hộ áp dụng làm chế phẩm men vi sinh IMO, làm được 19.550 lít men vi sinh IMO nước và 23.155 kg men vi sinh IMO khô. Có 317 hộ hội viên nông dân áp dụng làm 7.700 kg phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, lục bình…).

Vận động được 11.337 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình. Mô hình đã áp dụng cho nhiều cây trồng, vật nuôi, như: Mít, nhãn, xoài, sầu riêng, các loại rau…; vịt, gà, bò, heo, dê… huyện Châu Thành đã triển khai nhân rộng mô hình ra 12/12 xã, thị trấn còn lại trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu nhìn nhận, mô hình IMO đạt được ba mục tiêu chính: Giúp hội viên nông dân và người nông dân sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; tạo đầu ra nông sản từ sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ liên quan đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế, Hội Nông dân các huyện trong tỉnh cần duy trì và nhân rộng mô hình thời gian tới. Các huyện, thành phố chưa thực hiện mô hình tranh thủ tham mưu cấp ủy, ủy ban nhân dân xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2025...