Triển vọng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Dù còn mới mẻ nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở miền tây đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế. Việc ứng dụng số hóa vào sản xuất góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình tưới phun mưa tự động trên rau ăn lá của bà Nguyễn Thị Cẩm Thu tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Mô hình tưới phun mưa tự động trên rau ăn lá của bà Nguyễn Thị Cẩm Thu tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Thời gian qua, tại Cần Thơ, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) đã ra mắt nền tảng “Mạng nhà nông-Hành trình nông dân số”. Nền tảng này tích hợp nhiều công cụ hệ thống giúp nắm bắt kiến thức khoa học nhanh nhất; đồng thời, nhờ được hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo AI, nền tảng giúp trao đổi một cách dễ dàng, các thông tin thị trường được cập nhật với số liệu chính xác, là giải pháp hỗ trợ nhà nông nâng cao hiệu quả quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất, chất lượng nông sản.

Với đầy đủ tính năng như một mạng xã hội, nền tảng “Mạng nhà nông-Hành trình nông dân số” sẽ giúp kết nối các chủ thể trong ngành, cải thiện giá thành sản xuất, giá nông sản khi đến tay người tiêu dùng. Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Toản khẳng định: Nền tảng “Mạng nhà nông-Hành trình nông dân số” sẽ góp phần đưa vị trí người nông dân thành chủ thể quan trọng nhất; chủ động trong không gian thị trường, không gian canh tác sản xuất. Các thiết chế về mặt thông tin, cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ sẽ được truyền tải nhanh và cụ thể nhất trên nền tảng này.

Tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, việc ứng dụng mô hình sản xuất an toàn và kết hợp hệ thống tưới phun mưa tự động trên rau ăn lá mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho nông hộ. Áp dụng công nghệ này đã khắc phục được ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu làm nhiệt độ gia tăng trong mùa khô.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thu phấn khởi cho biết: “Tôi trồng rau lâu rồi, nay đã chuyển đổi sang hệ thống tưới này từ năm 2019 tới giờ; tưới phun vậy thì khỏe hơn, ngắn thời gian hơn nên mình làm được nhiều hơn lúc trước”. Không chỉ trong sản xuất, việc đưa nông sản truy xuất nguồn gốc gắn với tiêu thụ hiện cũng được nhiều doanh nghiệp tại Cần Thơ quan tâm, áp dụng phần mềm quản lý thông tin khách hàng và các nông hộ sản xuất.

Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 105.000 hộ hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản, 46 hợp tác xã, 67 doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để số hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, xứng đáng tiềm năng của thành phố trung tâm vùng.

Theo đó, Cần Thơ khởi công dự án Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long giúp tích hợp dữ liệu đa ngành, phục vụ phân tích và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là cơ hội để nông dân Cần Thơ quen dần với ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hội nhập.

Một trong những Hợp tác xã tiêu biểu ứng dụng công nghệ tại Hậu Giang là Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát do ông Võ Văn Trưng thành lập và làm giám đốc, với 30 thành viên. Từ 2.000 m2 ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã mở rộng diện tích lên 4 ha, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 300 tấn dưa lưới, thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh mở rộng diện tích, ông Trưng còn phối hợp Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang xây dựng mô hình trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hợp tác xã giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Quy trình vận hành tưới thông qua việc thiết lập tần suất tưới 10 lần/ngày, mỗi lần kéo dài 2 phút, tiết kiệm hơn 80% lượng nước so với cách tưới truyền thống. Điều tiện lợi nữa là lượng nước tưới trữ trong các thùng nhựa composite có thể tích lên đến 2.000 lít được pha chế với nhiều hợp chất hữu cơ cần thiết, bảo đảm yêu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây.

Là một trong những hộ tiên phong sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, từ năm 2010, gia đình anh Trần Văn Sáu ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hệ thống nhà lưới hơn 2.000 m2, đồng thời lắp đặt hệ thống ống tưới có béc phun trải khắp vườn nên so với trước rau đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Đáng chú ý, vì không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên rau sau thu hoạch có thời hạn sử dụng lâu, giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Giờ đây, vợ chồng anh Sáu bớt vất vả hơn trong việc làm nông, khi muốn tưới rau chỉ cần sử dụng điện thoại, hệ thống tưới tự động sẽ thực hiện; lắp đặt camera có thể theo dõi từ xa vườn rau của mình. Mỗi hôm thu hoạch xong, anh chị lại rửa sạch rau, bao bì lại rồi dán mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ nông dân “chân lấm tay bùn”, họ bắt đầu tiếp cận công nghệ, chụp ảnh sản phẩm báo cáo hoặc giới thiệu trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại; mỗi ngày, cung cấp ra thị trường trên 50 kg rau các loại. Trung bình mỗi năm, vườn rau của anh Sáu cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn nông nghiệp trọng điểm, nên việc phối hợp các cơ quan liên quan để tập huấn kỹ năng khi đưa hàng hóa lên các ứng dụng nền tảng số cho các hợp tác xã, bà con nông dân là rất cần thiết. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Toản nhấn mạnh: “Cần tập huấn, cầm tay chỉ việc cho nhà nông hiểu được và thành thục các kỹ năng cần thiết khi đưa hàng của họ kết hợp với mạng lưới ứng dụng công nghệ số. Đây là quá trình chúng ta đồng hành với người nông dân để làm chủ được công nghệ số, ứng dụng triệt để nông nghiệp số”.

Tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, đã triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WebGIS; xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Đến nay, có hơn 2.100 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với hơn 320 nông sản, sản phẩm tham gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực công trình thủy lợi và quản lý chất lượng nông sản. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thêm nguồn lực đầu tư, phát triển đào tạo cán bộ, tuyển người có trình độ IT giỏi, đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong chuyển đổi số cả nông nghiệp và các lĩnh vực khác...