Triển vọng tín chỉ carbon vùng ven biển

Năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương 10,3 triệu tấn CO2, thu về khoảng 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Thị trường carbon góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và mang lại nguồn lợi tài chính lớn. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực được ghi nhận có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này.
Dự án Điện gió Hòa Bình 1 tỉnh Bạc Liêu cuối năm 2024 thu về hơn 1,8 triệu USD (khoảng 45,6 tỷ đồng) từ tín chỉ carbon.
Dự án Điện gió Hòa Bình 1 tỉnh Bạc Liêu cuối năm 2024 thu về hơn 1,8 triệu USD (khoảng 45,6 tỷ đồng) từ tín chỉ carbon.

Là địa phương có dự án điện gió ven biển và trên biển nhiều nhất Việt Nam, tỉnh Bạc Liêu hiện có 3 dự án với 39 trụ turbine gió được đầu tư theo từng giai đoạn, vận hành những trụ điện đầu tiên vào năm 2021, năm 2022 bắt đầu thực hiện các bước để phát hành tín chỉ carbon. Đến nay, đã có 390.000 tín chỉ carbon của năm 2021-2022 được đối tác bên mua xác nhận.

Đến hết năm 2024, xác nhận tiếp 600.000 tín chỉ của 2 năm 2023-2024, nâng tổng số lên 990.000 tín chỉ, giá 1,8 euro/tín chỉ, thu về 1,78 triệu euro (45,6 tỷ đồng). Đây là 3 dự án điện gió lần đầu tiên bán tín chỉ carbon ra châu Âu; được tỉnh Bạc Liêu hy vọng các dự án trên địa bàn tham khảo, áp dụng các tiêu chuẩn về thị trường carbon để tiến tới bán tín chỉ, gia tăng nguồn thu cho doanh nghiệp.

Không chỉ thu lợi nhuận từ thị trường tín chỉ carbon, một số dự án còn đầu tư thêm những hạng mục du lịch sinh thái có tiềm năng, góp phần phát triển du lịch địa phương. Giám đốc Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1, thành phố Bạc Liêu Hoàng Văn Cường cho biết: “Tổ hợp dự án điện gió của chúng tôi nằm trong địa phận huyện Hòa Bình, có vị trí trung tâm của cánh đồng điện gió Bạc Liêu với công suất 150 MW, bao gồm 39 turbine gió của Hãng Vestas Đan Mạch. Chúng tôi đang phát triển thêm một mục tiêu nữa là kết hợp điện gió với du lịch sinh thái, hiện đang từng bước hoàn thiện kiến trúc cảnh quan và dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm”.

Với hơn 143.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế trong hình thành và phát triển thị trường carbon. Từ năm 2020, tỉnh đã tổ chức các buổi gặp gỡ để người dân, chủ rừng, doanh nghiệp nghe chuyên gia tư vấn. Riêng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang quản lý hơn 9.202,71 ha rừng bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng trên tổng diện tích đất liền 15.262 ha. Với diện tích rừng khá lớn và khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon ở rừng ngập mặn gấp 4 lần so với rừng khác trên đất liền là một trong những cơ hội khai thác thế mạnh của rừng về tín chỉ carbon.

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Lý Minh Kha thông tin, trong lâm phần có khoảng 931 ha với 221 hộ nhận khoán, sống chủ yếu bằng việc khai thác các loài thủy sản dưới tán rừng. Những năm gần đây, do tình trạng biến đổi khí hậu và giá cả bấp bênh, các nguyên vật liệu đầu vào, nhiên liệu cũng tăng cao, cho nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chính quyền Cà Mau đang đẩy mạnh phát triển rừng và thị trường carbon rừng, góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đồng thời, giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, tích cực tham gia công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Những năm qua, bên cạnh một số dự án của địa phương, rừng Quốc gia Mũi Cà Mau còn có sự hỗ trợ từ một số tổ chức như Gaia, WF, WWF để thực hiện thêm 600 ha. Tuy nhiên, ở vùng dự án rừng ngập mặn lớn nhất Cà Mau, việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng cũng gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho người dân. Ông Lê Trung Nguyên, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển bộc bạch: “Gia đình tôi có 10 ha đất trồng rừng, nguồn thu nhập chính hiện nay là từ việc nuôi tôm và cua.

Gần đây, tôi nghe nói nhưng vẫn chưa hiểu rõ lắm, hy vọng các cấp chính quyền hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về tín chỉ carbon và mong muốn đề án này sớm được triển khai để người dân được hưởng lợi từ đề án, có nguồn kinh phí để tái tạo lại rừng”. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc tin tưởng: “Dự án tín chỉ carbon nếu được thực hiện, trong tương lai sẽ tạo chuyển biến về nhận thức của người dân. Trước đây, người dân thiệt thòi vì trồng rừng nhưng giá trị khai thác sản phẩm từ cây gỗ không cao. Nếu thực hiện được chủ trương về khai thác tín chỉ carbon sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cả về nhận thức và hành động của người dân trong việc trồng và phát triển rừng”.

Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon chưa đầy đủ, cho nên hiện nay, các địa phương trong tỉnh Cà Mau chỉ có thể chỉ đạo một phần chuyên môn, nhất là tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức tư vấn để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ mong muốn các bộ, ngành Trung ương cần sớm có hướng dẫn đầy đủ quy định về quyền sở hữu, hạn ngạch, giá trị của tín chỉ carbon, cách thức tính toán, đo đếm chứng chỉ, nhất là ở khu vực rừng để mọi thứ rõ ràng, minh bạch, trên cơ sở đó, Sở mới có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, các khảo sát hiện nay chỉ được thực hiện ở khu vực Đất Mũi, còn khu vực rừng ngập ngọt, gần Tràm thì chưa tiếp cận được.

Thực tế, ở Việt Nam vẫn chưa hình thành được thị trường carbon; hiện chỉ có thể giao dịch qua một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc các nước công nghiệp phát triển, những nơi có nhu cầu mua tín chỉ. Nhưng trong tương lai sẽ có thể giao dịch trong nước. Một trong những thách thức lớn nhất đối với thị trường tín chỉ carbon rừng là việc bảo đảm lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nhiều dự án hiện nay chưa mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, dẫn đến sự thiếu tín nhiệm và tham gia của cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này cần phải có cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng, công bằng. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia với giải pháp như cung cấp khoản vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính từ các quỹ môi trường và chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các bên liên quan...