Nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ-tôm

Các mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm tại các xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành; xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, được tỉnh Trà Vinh đánh giá đạt hiệu quả cao cả ba tiêu chí kinh tế, xã hội, môi trường. Các mô hình này đang được tỉnh Trà Vinh khuyến khích nhân rộng…
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa hữu cơ ở ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Thu hoạch lúa hữu cơ ở ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Hai xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành nằm giữa sông Cổ Chiên, cách cửa biển Cung Hầu khoảng 30 km. Ngoài hạn, mặn gay gắt vào mùa khô, nơi đây cũng chịu tác động mạnh bởi triều cường, nước biển dâng.

Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, tuyến đê bao tả, hữu sông Cổ Chiên đã hoàn thành, chủ động ngăn triều cường, kiểm soát mặn, phục vụ đa mục tiêu trong sản xuất. Nhờ đó, địa phương đẩy nhanh chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, đa dạng cây trồng, vật nuôi, cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân.

Từ năm 2015 đến nay, hơn 162 hộ nông dân hai xã đảo Long Hòa, Hòa Minh đã canh tác lúa hữu cơ với diện tích gần 150 ha. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 56999/QĐ-SHTT ngày 27/7/2023 về chứng nhận nhãn hiệu lúa, gạo hữu cơ Trà Vinh. Theo đó, nhãn hiệu chứng nhận lúa, gạo hữu cơ Trà Vinh gồm gạo hữu cơ, lúa hữu cơ được sản xuất tại các xã Long Hòa, Hòa Minh; một phần xã Hưng Mỹ, Phước Hảo của huyện Châu Thành. Hiện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành đang là chủ sở hữu quản lý nhãn hiệu lúa, gạo hữu cơ Trà Vinh.

Ông Nguyễn Văn Xem, nông dân ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, từ năm 2019 đến nay, gia đình ông tham gia sản xuất lúa hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như Công ty Hồng Tin ở Thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác xã Tiến Thành ở xã Long Hòa. Hiện các thành viên gia đình ông xem canh tác 7 ha lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh với nhiều điều kiện ưu đãi, nhất là được bao tiêu sản phẩm. Năm nay, gia đình ông có lợi nhuận gần một tỷ đồng từ mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh…

Để tạo sinh kế bền vững cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Minh, huyện Châu Thành đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh hướng dẫn người dân ấp Cồn Chim sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với phát triển du lịch. Theo Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim Nguyễn Văn Quời, trước đây, tất cả các hộ dân của ấp sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Nhiều hộ dân nơi đây được hướng dẫn sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với làm du lịch cộng đồng đã có thu nhập tăng lên gấp ba đến bốn lần so với trước.

Toàn huyện Châu Thành có diện tích sản xuất lúa khoảng 15.000 ha, hầu hết được bà con nông dân canh tác ba vụ/năm. Huyện Châu Thành đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có diện tích trồng lúa hữu cơ khoảng 1.500 ha, sản phẩm lúa, gạo đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế…

Tại huyện Trà Cú, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, xã Long Hiệp Trầm Minh Thuần cho biết, được thành lập vào năm 2018, hợp tác xã đã thu hút 72 thành viên với vốn điều lệ hơn 2,2 tỷ đồng. Hợp tác xã đang sở hữu nhãn hiệu tập thể lúa, gạo “Hạt Ngọc Rồng”. Hằng năm, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu giống lúa ST25 cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg đối với khoảng 20 ha của các hộ dân ở xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải. Hợp tác xã còn hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các thành viên với diện tích hàng trăm héc-ta lúa canh tác 3 vụ/năm tại các xã Long Hiệp, Tân Hiệp của huyện Trà Cú, giá mua cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg…

Theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 23/1/2017 của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, toàn tỉnh trồng 1.000 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 ha lúa-tôm, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang.

Nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh đang triển khai mô hình canh tác lúa hữu cơ-tôm gắn với bao tiêu đầu ra sản phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng đã triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu “Lúa, gạo hữu cơ Trà Vinh”, “Tôm hữu cơ Long Hòa-Hòa Minh”.

Đến nay, mô hình tôm sạch, lúa hữu cơ đang có sức lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều cánh đồng lúa, tôm của các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải. Đây không chỉ là mô hình “thuận thiên” mà còn là mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Trà Vinh…■