Gần đây, sự thành công của mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, trồng ngô sinh khối và xử lý môi trường có tính chất tuần hoàn đã mở ra tương lai cho chăn nuôi bò ở Thái Nguyên phát triển.
Ông Dương Văn Hồng ở xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình thường mua bò lai 3B, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi vỗ béo bán cho lò mổ, thương lái làm thực phẩm.
Tuy nhiên, do chăn nuôi theo cách truyền thống, thức ăn chăn nuôi thiếu, không được chế biến, vỗ béo không đúng cách, không đúng thời điểm, nên tầm vóc, thể trạng bò tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh tế không cao, mỗi con chỉ lãi từ 1,5 đến hai triệu đồng sau ba, bốn tháng nuôi.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên lựa chọn gia đình ông Hồng cùng hơn 20 hộ khác ở xóm Phú Xuân thí điểm mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, trồng ngô sinh khối và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.
Thực hiện mô hình, các hộ được hỗ trợ vật tư, tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, chế biến thức ăn vỗ béo bò, trồng ngô sinh khối, xử lý chất thải để nuôi giun quế làm thức ăn cho cá, gà, vịt, lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Dương Văn Hồng cho biết: “Thực hiện mô hình, chúng tôi lựa chọn những con bò lai 3B, tầm từ 15 đến 18 tháng tuổi, tiến hành tẩy ký sinh trùng cho bò, trồng ngô sinh khối, sử dụng phụ phẩm bã rượu, bã đậu, ngô, cám gạo chế biến thành thức ăn cho bò. Bò nuôi nhốt được ăn, uống đầy đủ trong chuồng thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông trọng lượng tăng khoảng 1kg/ngày, thậm chí những con có thể trạng tốt, tầm vóc cao lớn, tăng trọng đạt 1,8kg/ngày. Sau từ ba đến bốn tháng nuôi, trừ chi phí đầu vào, chúng tôi lãi gần bảy triệu đồng/con, có khi lãi 10 triệu đồng/con vào những thời điểm giá bò tăng cao”.
Không chỉ chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên còn hỗ trợ bò con, phân bón, hạt giống ngô lai đơn F1NK7328, tập huấn kỹ thuật để trồng ngô sinh khối, trồng dày, cây khỏe, chống ngã đổ, năng suất đạt hơn 55 tấn/ha, trong khoảng 65 đến 75 ngày cho thu hoạch, mang về kết hợp cùng với rơm, rạ băm nhỏ, trộn với ngũ cốc, cám gạo, bã rượu, bã đậu ủ chua làm thức ăn cho bò.
Thức ăn cho bò sau khi được chế biến, ủ chua, không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng mà còn có thể bảo quản được một năm, làm thức ăn dự trữ để nuôi bò, nhất là vào mùa đông khi cỏ, ngô khan hiếm. Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ người dân thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ nông nghiệp Nga My với 26 thành viên chuyên nuôi vỗ béo bò hoạt động gắn kết, hiệu quả.
Kỹ sư Dương Văn Hồng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi tập huấn, hướng dẫn người dân thu gom, tận dụng chất thải của bò để nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi cá, lợn, gà, vịt rất tốt. Kết thúc mỗi chu kỳ nuôi giun gần hai tháng, bã thải nuôi giun quế chính là phân bón hữu cơ để trồng ngô, cỏ, chè, nhiều gia đình sử dụng không hết còn bán cho các hộ trong khu vực”.
Mô hình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả khá cao, nhưng chi phí về nhân lực không nhiều, đơn cử như gia đình ông Dương Văn Hồng đã nuôi vỗ béo 70 con bò với hai lao động, đầu tư vốn chăn nuôi không lớn. Chất thải mỗi con bò một ngày hàng chục kilogam phân được sử dụng để nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường; bã thải sau chăn nuôi giun sử dụng làm phân bón...
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên Hà Trọng Tuấn, đây là mô hình chăn nuôi bò tuần hoàn, nhiều giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.