Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Tân Nguyễn Chí Nguyện cho biết, nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ hình thành từ những thập niên cuối thế kỷ 19. Sản phẩm chiếu Cà Hom-Bến Bạ trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết. 20 năm về trước là thời kỳ hoàng kim của làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, mang lại thu nhập cho hơn 200 hộ đồng bào Khmer và giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động. Chiếu bông Cà Hom-Bến Bạ thường có giá cao hơn với sản phẩm chiếu nơi khác nhưng vẫn không đủ bán. Thời điểm đó, trên địa bàn xã, nhà nào cũng có đôi ba khung dệt, hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm.
Trải qua thời gian, làng nghề dệt chiếu đã có nguy cơ bị mai một, phần lớn số hộ dệt chiếu thủ công treo khung hoặc chỉ dệt cầm chừng. Nguyên nhân do họ không chủ động được nguồn nguyên liệu, sản phẩm chiếu ít được cách tân về mẫu mã nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Hàng trăm lao động đã bỏ khung dệt, chuyển sang làm những nghề khác. Tuy vậy, nghệ nhân Ngô Thị Pho vẫn gắn bó bên khung dệt gia đình, thiết kế hoa văn, phối màu rồi dệt thử sản phẩm chiếu hoa hai mặt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhiều người sau đó tìm đến đặt hàng bà Pho để dệt những chiếc chiếu hoa, có chữ Hán, chữ Khmer. Ðộc đáo nhất là bà đã thiết kế, phối màu dệt nên những chiếu hai mặt với hình những ngôi chùa tháp vàng ở đất nước Campuchia, được rất nhiều người Khmer Nam Bộ ưa chuộng.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề chiếu Cà Hom-Bến Bạ của người Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.
Hiện nay, các cơ sở dệt chiếu của làng nghề được hỗ trợ vốn đầu tư khung dệt máy, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập mỗi người khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Ðể gìn giữ, khôi phục nghề dệt chiếu gắn với phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Nhiều năm qua, xã Hàm Tân đã thành lập Hợp tác xã chiếu thảm Hàm Tân thu hút nhiều thành viên, nhằm hướng đến mục tiêu ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu làng chiếu đến với người tiêu dùng.
Các sản phẩm chiếu Cà Hom-Bến Bạ đã tạo được uy tín trên thương trường với các chủng loại chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ. Trong đó, chiếu hoa là sản phẩm nổi tiếng nhất của làng nghề, với năm màu chủ đạo là trắng, đỏ, xanh, vàng và tím.
Các nghệ nhân thường chọn lựa rất công phu các hình ảnh hay hoa văn cho từng sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, hoặc theo yêu cầu của thương lái. Ðặc biệt, chiếu hoa dệt hai mặt đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tính thẩm mỹ trong từng đường dệt của nghệ nhân.
Cứ vào dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer Nam Bộ là thời điểm làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ nhộn nhịp nhất trong năm. Nghề dệt chiếu gắn với quá trình trồng, thu hoạch lác, chẽ phơi, vận chuyển, nhuộm màu và tiêu thụ ra thị trường.
Công đoạn đầu tiên để làm chiếu là phải chọn nguyên liệu cây lác cho thật già, tiếp theo chọn lựa chiều dài của lác sao cho phù hợp khổ chiếu cần dệt. Nguyên liệu lác cọng được phân cỡ xong, rửa sạch, chẽ đều. Từng sợi lác được phơi khô, sử dụng nước pha màu nấu sôi để luộc cho thấm màu và tiếp tục phơi khô. Ưu điểm của chiếu hoa ở làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ là sau khi sử dụng từ bốn đến 5 năm vẫn bảo đảm chiếu không bị đổ lông, phai màu và giòn gãy.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Ðông, đến nay tỉnh đã công nhận 13 làng nghề, trong đó có làng nghề dệt chiếu thảm xã Hàm Tân. Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng nghìn hộ đồng bào Khmer. Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp các bộ, ngành khảo sát thực trạng và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề. Ðồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 (2022-2025) đã có kế hoạch đầu tư các dự án; kết cấu hạ tầng thiết yếu; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, với tổng nguồn vốn hơn 271 tỷ đồng. Do đó, thời gian tới, làng nghề chiếu thảm xã Hàm Tân sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.