Trải qua bao đời, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đã trồng cây lấy sợi, dệt vải nhuộm màu hoàn toàn thủ công để phục vụ cuộc sống và đến nay vẫn giữ được truyền thống đó. Khi ngắm nhìn những sắc màu và họa tiết thổ cẩm, điều thấy được không chỉ là sự khéo léo của nghệ nhân mà còn cả những tinh hoa trong lịch sử, văn hóa của một cộng đồng.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Ho ở phía nam Tây Nguyên có tự bao giờ, ít ai còn tường tận. Chỉ biết rằng, những sơn nữ Cơ Ho khi đôi chân đã biết xuống suối lấy nước, lên rẫy gieo hạt lúa mẹ và đôi tay biết đong đưa, soạn sửa y phục truyền thống đã được bà, mẹ trao truyền nghề dệt thổ cẩm. Đó là mạch nguồn văn hóa kết nối tự nhiên, thẩm thấu từ đời này sang đời khác trên miền rừng xanh, núi đỏ.
Giống như nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, thổ cẩm người Ê Đê là sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và nghệ thuật tạo hình tinh tế. Mỗi tấm thổ cẩm chứa đựng cả tâm hồn của họ.
Người dân Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh gìn giữ, phát triển nghề dệt chiếu thảm gần 100 năm nay. Cứ vào các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer Nam Bộ, làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn đôi chiếu có độ bền, đẹp, hoa văn độc đáo.