Với lợi thế sông nước, khí hậu mát mẻ cùng những vườn cây ăn trái bạt ngàn, người dân đã phát triển nơi đây thành một khu du lịch sinh thái độc đáo, rất đáng để trải nghiệm...
Đi phà vào cồn Sơn, chỉ cách trung tâm Cần Thơ một con sông, nhưng quang cảnh khác hẳn bên kia thành phố. Ở đây, những con đường nhỏ, chỉ độ hai người đi, chạy qua những vườn cây xanh mát. Lẩn khuất đâu đó là những ao cá, cây cầu. Gặp Lê Chánh, tôi nghe anh giới thiệu về cồn Sơn, nơi anh sinh ra và lớn lên...
Học hết phổ thông, Chánh rời cồn, đi ra ngoài làm nhiều nghề khác nhau. Hơn chục năm qua, cồn Sơn được nhiều người biết đến, khách du lịch ngày càng đông. Chánh trở về, sắm một chiếc xuồng, học một lớp nghiệp vụ ngắn hạn do địa phương tổ chức, thế là trở thành một hướng dẫn viên du lịch.
Chánh bảo, khách du lịch nhiều, ngày nào cũng dẫn cả chục khách tản bộ dưới bóng cây, hoặc trên chiếc xuồng của mình để trải nghiệm cồn Sơn. Với Chánh, anh thông thuộc cồn Sơn như lòng bàn tay mình, cho nên chưa đến một ngày, khách đã có thể cảm nhận được những gì đầy đủ, nguyên vẹn nhất về nơi đây qua lời giới thiệu của anh.
Cồn Sơn nằm trên dòng sông Hậu mênh mông. Tên gọi cồn Sơn được giải thích hợp lý nhất là trước đây trên cồn trồng nhiều cây sơn. Đây là loại cây người dân trồng để khai thác nhựa dùng cho việc sơn son thiếp vàng đồ gỗ nội thất. Ngày xưa, ở đây hình thành làng nghề khai thác nhựa, gỗ của loại cây này.
Theo thời gian, nghề mai một, không cạnh tranh được với các loại sơn công nghiệp, người dân dần chuyển sang trồng cây ăn quả và nuôi cá. Cồn Sơn được hưởng lượng phù sa dồi dào, bồi đắp hàng thế kỷ từ dòng sông Hậu, khí hậu lại mát mẻ quanh năm nên cây cối luôn tốt tươi. Tận dụng lợi thế này, người dân dần chuyển qua làm du lịch sinh thái miệt vườn và đời sống khấm khá dần lên.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, hướng dẫn viên Khu Du lịch sinh thái cồn Sơn Miền Nam cho biết, lượng khách đến cồn Sơn quanh năm, nhưng đông nhất là vào dịp hè. Ai cũng thích tản bộ dưới vườn cây mát mẻ để thư giãn bởi không gian trong lành, rợp mầu xanh cây trái trĩu cành. Người dân ở đây luôn tìm tòi để mở thêm các dịch vụ mang đậm màu sắc của Tây Nam Bộ như nuôi cá lóc bay, làm bảo tàng cá, tự làm cốm nổ... Nếu du khách muốn nghỉ qua đêm, có rất nhiều homestay để trải nghiệm.
Cách người dân ở đây làm du lịch cũng rất đặc biệt. Mỗi nhà một lợi thế, người dân kết hợp với nhau rất đoàn kết để cùng chia sẻ lợi nhuận. Thí dụ, theo mùa, vườn trái cây nhà ai chín trước, sai quả hơn thì sẽ báo cho hướng dẫn viên đưa khách vào trước, vườn nhà nào chín sau thì đưa vào sau.
Như vậy sẽ giúp du khách có thể tham quan vườn cây đúng vụ và thưởng thức những loại trái cây tươi ngon nhất. Chị Kim Phước, chủ một vườn trái cây cho biết, trước đây người dân phải lo “đầu ra” theo giá cả thị trường khi bán ở chợ, nhưng nay, ngoài chi phí tham quan, họ còn bán trái cây cho du khách.
Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá ở cồn Sơn chia sẻ: “Ở đây, mỗi nhà chuyên một món ăn, không nhà nào giống nhà nào. Có nhà chuyên về cá, nhà chuyên về gà, nhà chuyên làm lẩu, làm món nướng…
Chúng tôi vẫn gọi vui là “thực đơn bay”, tức là dù ngồi ở nhà nào, khách muốn ăn món gì, chỉ cần một cuộc điện thoại là sẽ có món đó từ nhà khác mang đến. Nhờ cách chia sẻ này mà thu nhập các hộ làm du lịch đều rất ổn định và giữ được tình làng nghĩa xóm”.
Ở cồn Sơn có những bè nuôi nhiều loại cá lạ, đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Nhiều hộ còn có các dịch vụ cho du khách trải nghiệm như cho cá ăn, cá massage chân...
Điểm thú vị nhất tại cồn Sơn có lẽ là màn biểu diễn “cá lóc bay”. Ông Lê Trung Tín, một người dân với hàng chục năm nuôi cá lóc cho biết, nhờ kinh nghiệm, ông nắm rất rõ về “tính nết” loại cá này. Sau một thời gian dài huấn luyện, ông cho đàn cá quen dần với tiếng gõ. Bây giờ, mỗi khi ông gõ, cả đàn cá sẽ đồng loạt bay lên khỏi mặt nước rất đẹp mắt...
Chị Phạm Thị Thanh Ngân, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi thấy cồn Sơn có những nét riêng, người dân hiếu khách, dịch vụ du lịch đa dạng. Nơi đây vẫn giữ được những nét rất dân dã, mang bản sắc miền Tây Nam Bộ.
Tôi ấn tượng nhất là được mặc chiếc áo bà ba chụp ảnh ở những không gian đậm chất miền Tây, rồi tự vào bếp làm bánh, chế biến món ăn để thưởng thức. Nếu giữ được bản sắc vốn có, du lịch cồn Sơn sẽ ngày càng phát triển...”