Nguyên liệu để khảm được lấy từ vỏ ốc xà cừ, một loại ốc biển có mầu sắc lóng lánh. Lớp xà cừ càng dày, càng phản chiếu mầu sắc thì giá trị càng cao. Để có mảnh xà cừ hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn từ chẻ vỏ ốc thành mảnh, mài sạch lớp vỏ ngoài chỉ giữ lại lớp xà cừ, cắt theo thớ, hơ, ép mảnh xà cừ cho thật phẳng, sau đó phân loại theo mầu sắc khác nhau…
Bà Ngô Thị Mỹ Chi, chủ cơ sở sản xuất tủ thờ truyền thống Gò Công Ba Đức 8 ở ấp Sơn Quy B, xã Tân Trung cho biết: “Khảm xà cừ có nhiều công đoạn, trong đó có 5 công đoạn chính gồm: Vẽ tạo hình trên xà cừ và cưa xà cừ theo hình vẽ; dán hình xà cừ lên thân gỗ; đục hình trên thân gỗ; vô keo và dán xà cừ vào mặt gỗ đã được đục hình trước đó; tách, tạo đường nét trên xà cừ”. Nói đơn giản là vậy, nhưng thực tế, khi thực hiện thì vô cùng phức tạp. Để tạo ra một tác phẩm khảm xà cừ trên chiếc tủ thờ Gò Công hoàn chỉnh, người thợ phải tỉ mẩn từng công đoạn và kiên trì trong thời gian dài.
Theo chân bà Mỹ Chi, chúng tôi có dịp tham quan từng công đoạn khảm xà cừ tại cơ sở của bà. Công đoạn đầu là vẽ tạo hình trên xà cừ và cưa xà cừ theo hình vẽ. Ông Trần Trung Quý, thợ nhiều năm thực hiện công đoạn này, chia sẻ: “Trước khi vẽ và cưa, người thợ phải ngâm xà cừ vào nước một khoảng thời gian để xà cừ dẻo, dai. Khâu này rất quan trọng và quyết định toàn bộ giá trị tác phẩm về sau. Vì vậy, người thợ phải làm việc bằng cả tâm huyết để tạo ra sản phẩm hài hòa, có độ thẩm mỹ cao”.
Sau khi vẽ xong, ông Quý dùng một chiếc cưa nhỏ có lưỡi là sợi thép mảnh, bén ngọt để cưa, cắt miếng xà cừ thành những hình dáng mềm mại, tinh xảo, chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Công đoạn thứ hai là dán hình xà cừ lên thân gỗ. Bà Bùi Thị Diễm Tuyền, người thợ thực hiện công đoạn này, cho biết, nhìn vậy chứ không hề dễ chút nào. Khi thực hiện, người thợ phải “canh” thật chuẩn để tỷ lệ từng cảnh vật cân đối với bố cục chung của bức tranh.
Sau khi dán, dùng bút vẽ hình xà cừ lên thân gỗ thì tới công đoạn thứ ba là tạo hình, hay còn gọi là đục hình lên thân gỗ. Ông Bùi Quang Phục có kinh nghiệm hơn 10 năm làm công đoạn này cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường làm thủ công, còn bây giờ đã có máy đục. Người thợ phải bảo đảm xà cừ sau khi được tạo hình sẽ khảm xuống mặt gỗ được mài nhẵn đến khi nổi lên sáng bóng. Áp lực bởi độ chính xác của công việc này rất lớn, chỉ sơ suất nhỏ sẽ làm hư mặt gỗ”.
Công đoạn thứ tư là vô keo và dán xà cừ vào mặt gỗ đã được đục hình. Trước đó, người thợ phải làm sạch các khung mà máy đã đục, rồi dùng giấy nhám chà sạch bề mặt. Công đoạn này tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người thợ phải thật tinh mắt để dán những chi tiết nhỏ nhất mà không bị sót. Sau khi dán xà cừ vào mặt gỗ, đợi khô keo, người thợ mài xà cừ đến khi sáng bóng.
Công đoạn thứ năm là tách hay còn gọi là tạo đường nét trên xà cừ. Với những sản phẩm tủ thờ cao cấp và đòi hỏi khảm xà cừ phức tạp, người thợ càng phải tỉ mỉ, dùng mũi dao nhọn tách từng chi tiết. Đây là công đoạn khó, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của người chế tác để thổi hồn vào sản phẩm…
Người thợ khảm xà cừ có thể khảm nhiều hình ảnh, điển tích, điển cố xưa theo yêu cầu của khách hàng, như: “Phúc-Lộc-Thọ”; “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”; “Đào, Lựu, Sen, Hồng”; “Long, Lân, Quy, Phụng”… Từ xưa đến nay, người Việt chúng ta luôn lấy chữ “Hiếu” làm đầu. Do vậy, chiếc tủ thờ, nơi biểu thị tình cảm của người sống với những người đã khuất, truyền dạy con cháu sống đạo hiếu, lễ nghĩa, thì hình ảnh phổ biến nhất được khảm vẫn là “Nhị thập tứ hiếu” - 24 câu chuyện kể về đạo hiếu mà con cháu muốn dâng kính lên tổ tiên…
Theo bà Ngô Thị Mỹ Chi, với sự sáng tạo và cải tiến không ngừng, chiếc tủ thờ Gò Công hiện nay không chỉ là vật dụng để thờ cúng ông bà trong gia đình, mà thực sự là tác phẩm nghệ thuật. Hiện, làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công có hơn 400 hộ hành nghề, trong đó có khoảng 10 hộ vừa đóng tủ, vừa khảm xà cừ; còn lại một số người chuyên khảm xà cừ gia công cho các cơ sở đóng tủ thờ… ■