Cách nay hơn 20 năm, một nhóm nhỏ tiểu thương vùng Miệt Thứ cùng người dân các nơi khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long,… trao đổi hàng nông sản ngay trên ghe, xuồng trên dòng Chắc Băng. Lâu dần, quy mô, nhu cầu người mua, kẻ bán ngày càng nhiều hơn… và đã hình thành chợ nổi Vĩnh Thuận.
Theo chính quyền địa phương, ban đầu chợ hình thành ở gần cầu Vĩnh Thuận bắt qua kênh xáng Chắc Băng, thuộc khu phố Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Để bảo đảm trật tự và an toàn giao thông đường thủy, chợ nổi Vĩnh Thuận nhiều lần được di dời và nay thuộc khu phố Vĩnh Đông 2, thị trấn Vĩnh Thuận; bên đối diện là ấp Kinh 1, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Chợ nổi Vĩnh Thuận hiện hữu cách trung tâm huyện Vĩnh Thuận khoảng 1,5 km.
Chợ bắt đầu họp từ 4 giờ sáng và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Chợ đông “người mua, kẻ bán” nhất là từ 4 đến 7 giờ sáng và từ 15 đến 17 giờ chiều hằng ngày. Đây là nơi hội tụ của nhiều thương lái đến từ các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Chợ nổi Vĩnh Thuận kéo dài khoảng 700m dọc theo hai bên kênh xáng Chắc Băng với khoảng 30 sạp lớn, nhỏ cùng hàng trăm ghe, xuồng, vỏ lãi đậu san sát.
Những chủ vườn, rẫy sinh sống, sản xuất trong các con kênh, rạch nhỏ trồng các loại nông sản, như dưa leo, bí rợ, đậu đũa, khổ qua, củ gừng, khóm… vận chuyển bằng xuồng, vỏ lãi mang ra chợ bán. Trong khi đó, những chiếc ghe bầu từ Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long mang bưởi, sầu riêng, măng cụt… trồng ở vùng nước ngọt bán cho các chủ vựa. Có khi chủ vựa thu mua tất cả hàng nông sản của bà con địa phương rồi bán lại cho thương lái để vận chuyển về các tỉnh khác bán lại cho người tiêu dùng. Nhờ nét đặc trưng này giúp nhiều người dễ nhận ra hàng hóa của người dân địa phương với hàng hóa các tỉnh khác đến neo đậu lại; phân biệt thương lái từ ngoài tỉnh với người chủ vườn, rẫy ở địa phương.
Chợ nổi Vĩnh Thuận không rao mời, cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, bởi đa số người bán hàng là chủ vườn, chủ rẫy, họ trồng gì bán nấy, giá cả phải chăng. Người bán chất trên vỏ lãi, xuồng các mặt hàng nông sản địa phương rồi tiếp cận ghe bầu của các tỉnh khác để bán, không có cảnh tranh giành hàng hóa. Các ghe bầu lớn đậu phía bờ khu phố Vĩnh Đông 2 chở hàng từ Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… đến và những hàng hóa mà họ muốn bán được treo trước mũi ghe bầu.
Xuôi ghe bầu từ Cần Thơ mang nhiều loại trái cây đến chợ nổi Vĩnh Thuận bán, anh Trần Văn Phát, chia sẻ: “Tôi mang sầu riêng, măng cụt, bưởi… là những trái cây đặc trưng của Cần Thơ đến bán cho các chủ vựa, thương lái nơi đây. Hết hàng, tôi mua củ gừng, khóm… của bà con địa phương mang về Cần Thơ bán lại để có thêm thu nhập. Việc buôn bán của tôi kéo dài hơn 10 năm nay. Tuy lênh đênh trên sông nước nhưng tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống”.
Ông Nguyễn Thành Phúc là người huyện Vĩnh Thuận có thâm niên là chủ vựa rau, củ, quả và gắn bó với chợ nổi Vĩnh Thuận gần 20 năm, cho biết: “Chợ nổi mang nhiều tiện ích cho người nông dân và tiểu thương. Vùng này trồng nhiều nông sản có thể chở đi tiêu thụ ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Trong khi đó, thương lái vận chuyển hàng hóa từ các địa phương miệt trên xuống đây cũng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân tại chỗ”…
Chợ nổi Vĩnh Thuận mang nét đặc trưng “trên bến dưới thuyền” của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ và khá nổi tiếng ở vùng Miệt Thứ bởi nét độc đáo, riêng biệt vốn có. Là nơi trao đổi hàng hóa trên sông nước, lúc nào ghe, xuồng, vỏ lãi cũng tấp nập, vui như hội… Hiện nay, phương tiện giao thương thuận lợi hơn trước rất nhiều, thương lái có thể đến Vĩnh Thuận bằng xe tải để vận chuyển hàng nông sản đi rất nhanh.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khai thác nhiều chợ nổi như là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Thăm chợ nổi Vĩnh Thuận sẽ trở thành một tuyến du lịch hấp dẫn mới đối với du khách gần xa, có lẽ cũng là điều mà chính quyền địa phương đang tính đến...■