Trải nghiệm vẻ đẹp rừng, biển Cà Mau

Hãy thử một lần đến với Mũi Cà Mau, du khách sẽ được thưởng ngoạn một không gian thoáng đãng, yên bình; có cảm giác rừng và biển hòa quyện, nối dài vô tận đúng như câu nói “đất biết nở, rừng biết đi”…
Ca-nô chở khách du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Ca-nô chở khách du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Đầu tháng 10/2024, chúng tôi có mặt trong đoàn Famtrip do tỉnh Cà Mau tổ chức tham gia chuyến khảo sát, trải nghiệm thực tế nhiều điểm du lịch sinh thái ở miền biển Cà Mau. Trong hành trình lần này, mọi người ghé qua Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân). Gần đó là đầm Thị Tường, một thắng cảnh tự nhiên nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước. Đầm thiên nhiên tuyệt đẹp này được xem là “Biển hồ” ở vùng Cửu Long giang. Quanh đầm nước trong xanh là những rặng dừa nước, những vạt rừng ngập mặn với nhiều loại cây đặc hữu như: mắm, đước, sú, vẹt… Mặt nước dưới đầm là nơi quy tụ nhiều loài tôm, cá, cũng là những đặc sản thết đãi khách phương xa mỗi khi có dịp ghé qua.

Điểm nhấn trong hành trình là khu vực rừng ngập mặn của huyện Ngọc Hiển. Xe du lịch trở đoàn Famtrip đi xuyên qua “ruột rừng” trên tuyến đường nhựa mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), mọi người được ghé thăm nhiều nơi: Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh; biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau; Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ; Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau; mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; biểu tượng con cua Cà Mau… Sau bao kỳ công và nỗ lực, các công trình này giờ đã được đầu tư gần như hoàn thiện, tạo nên những điểm nhấn mới mẻ cho du khách mỗi khi đến Đất Mũi-Cà Mau.

Tiếp nối hành trình, những chiếc ca-nô chuyên dụng chạy lướt sóng đưa chúng tôi qua những cánh rừng ngập mặn đến tận Bãi Bồi nằm ven biển Mũi Cà Mau. Đó cũng là một phần trong hệ sinh thái rừng ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nơi đã được công nhận là Khu Ramsar và Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Vườn có tổng diện tích tự nhiên hơn 41.860 ha, trong đó diện tích phần bảo tồn biển khoảng 26.600 ha với đa dạng các hệ động, thực vật. Phần còn lại hơn 15.260 ha, được chia thành ba phân khu, gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng, để khách thập phương biết nhiều hơn đến cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp ven rừng, ven biển, cũng như để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương, từ năm 2019, tuyến tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được đưa vào thí điểm hoạt động với chiều dài khoảng 20 km, xuất phát từ Khu du lịch Mũi Cà Mau đi qua kênh Rạch Mũi, kênh Lạch Vàm, kênh Tám Thương, kênh Ba Màng, rồi qua Trạm kiểm soát Bãi Bồi đi rạch Bàu Nhỏ, sau đó trở lại Khu du lịch Mũi Cà Mau.

Bạn Ngô Bình An, du khách tham quan chuyến xuyên rừng chia sẻ: “Từng đi du lịch nhiều nơi nhưng lần đầu tiên tôi được thưởng ngoạn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tuyệt đẹp với nhiều động, thực vật đa dạng, phong phú như thế. Khí hậu nơi đây cũng rất trong lành, phong cảnh vẫn còn khá tự nhiên cho mình có cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái”.

Tại khu vực Bãi Bồi rộng lớn, mọi người trong đoàn được mục sở thị những trái mắm, trái đước mọc rễ bám phù sa lắng tụ, lâu ngày phát triển thành rừng cây với bộ rễ tua tủa tiến ra biển, trở thành những “đội quân” tiên phong “lấn biển, thêm rừng”, bảo vệ đất đai giảm bớt sạt lở. “Rừng biết đi” cũng được hiểu theo tiến trình tự nhiên đó.

Điểm nhấn trong chuyến đi còn ở góc độ ẩm thực với nhiều món đặc sản thơm ngon, độc đáo, mang tính đặc thù riêng của vùng đất và con người vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Nhiều thành viên trong đoàn thích thú khi tham gia cùng nông dân trải nghiệm các hoạt động đời thường, như: giăng lưới bắt cá, đặt lợp bắt cua, câu cá, mò nghêu ven biển Khai Long, bắt ba khía về đêm trong rừng ngập mặn...

Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Mũi Cà Mau Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, “tour xuyên rừng” ngập mặn bằng ca-nô ngày càng hấp dẫn và mang đến sự mới mẻ cho du khách, nhận được nhiều phản hồi tích cực; nhờ đó, lượng khách đến Mũi Cà Mau ngày càng đông. “Đội ngũ phục vụ dịch vụ xuyên rừng chủ yếu là người bản địa, khá thành thạo về thiên nhiên, văn hóa, đời sống người dân vùng Đất Mũi nên có thể chia sẻ nhiều điều mới lạ với khách thập phương. Hoạt động trải nghiệm trên cũng góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao sinh kế cộng đồng, thu nhập cho người dân bám trụ đất rừng nơi đây”, ông Trường chia sẻ.

Tuy đã có nhiều đầu tư so với trước nhưng nhìn chung, Cà Mau vẫn đang khai thác du lịch trên những gì hiện có với cảnh quan thiên nhiên rừng biển tươi đẹp, con người địa phương hiền hòa, thân thiện, mến khách. Dù vậy, đây được xem là điểm cộng của ngành du lịch Cà Mau, nơi có mảng du lịch xanh còn nhiều dư địa để phát triển.