Các sản phẩm mô phỏng từ bữa ăn gia đình, mâm cỗ ngày Tết cho đến các loại bánh mứt, trái cây… được làm hoàn toàn thủ công với sự khéo léo, tỉ mỉ và độ chính xác cao, được rất nhiều người ưa thích.
Cầm những viên đất sét đủ mầu sắc, lớn chỉ bằng viên bi, vân vo trong lòng bàn tay, Thảo chăm chú, tỉ mỉ với những tác phẩm của mình. Công việc yêu cầu tập trung cao độ, xem Thảo làm việc, cảm giác như mọi thứ chung quanh như lắng lại. Không khí yên ắng đến mức trong căn phòng nhỏ, nghe rõ tiếng kim đồng hồ kêu tích tắc.
Từ lòng bàn tay Thảo, từng tác phẩm hình thành. Đầu tiên là chiếc bánh chưng xanh, nhỏ chỉ bằng đốt ngón tay nhưng rất tinh xảo, hoàn toàn giống chiếc bánh chưng thật. Rồi Thảo nặn tiếp một đĩa trứng kho, bát canh khổ qua, rổ dưa leo…, tất cả đều có kích thước rất bé. Công việc chỉ hoàn thành khi Thảo bày biện xong một “mâm cơm” miền Tây với đầy đủ mầu sắc, với kích thước rất cân đối. Cả “mâm cơm”, kể cả các loại trái cây tráng miệng được nặn hoàn toàn bằng đất sét, giống hệt những bữa cơm gia đình nhưng để vừa một tờ giấy A4.
Thảo tâm sự, cô vốn sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hết phổ thông, Thảo học đại học ngành sư phạm mầm non. Tốt nghiệp, đi dạy trẻ chừng hơn một năm, Thảo cảm thấy không hứng thú với công việc này cho nên cô quyết định chọn một nghề khác thú vị hơn. Thảo xuống thành phố Cần Thơ sinh sống, kiếm việc làm.
Một ngày, Thảo tình cờ xem được một số hình ảnh các món đồ bé xinh được nặn bằng đất sét trên internet. Ban đầu chỉ là cảm giác thích thú với các sản phẩm độc đáo này và mua một ít đất sét về nặn thử. Dần dần, Thảo cảm thấy say mê với công việc này và quyết tâm tìm hướng kinh doanh. Hồi bé em rất thích mày mò, nặn các hình con vật bằng bột mì, bột năng cho nên có chút kinh nghiệm. Ban đầu làm công việc này tưởng dễ, nhưng thật sự rất gian nan. Nặn các món đồ này yêu cầu cao về sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Hồi mới làm, chỉ một trái dâu, trái xoài thôi có khi phải ngồi hàng giờ. Quan trọng nhất là phải có trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo. Có như vậy mới thu hút được khách hàng”, Thảo cho biết.
Để tạo hình sản phẩm bằng đất sét thu nhỏ, Thảo phải nghiên cứu rất nhiều về chất liệu, cách pha trộn để có mầu sắc chân thật nhất. Muốn sản phẩm giống thật, người thợ phải có kỹ thuật riêng, và điều này chỉ được tích lũy theo thời gian. Các công đoạn như nhào đất, trộn mầu, tạo hình, vẽ mầu, phủ bóng… đều không thể học, tập luyện trong ngày một ngày hai được. Nhiều món đồ làm xong rồi lại bỏ vì không đạt yêu cầu.
Thế là Thảo cặm cụi làm lại, bao giờ ưng ý thì thôi. Khi đã nặn được thuần thục, cô lại phải thường xuyên tìm các ý tưởng mới và quan sát chung quanh để tăng tính sáng tạo. “Để có được bộ sản phẩm mâm cơm miền Tây Nam Bộ là những chuỗi ngày em nghiên cứu, tìm tòi ở các tư liệu cũng như tưởng tượng ra các mâm cơm mình hay ăn thì trông như thế nào.
Nhiều sản phẩm đòi hỏi rất cao sự tỉ mỉ và cả kiến thức về hội họa, thí dụ như làm món hàu nướng, mực nướng…, phải thử qua hàng chục cách pha mầu khác nhau mới đạt mầu sắc ưng ý. Mỗi cách pha trộn, thời gian khô của tác phẩm cũng khác nhau, mình phải tính toán làm sao để hoàn thành trước khi đất sét khô”, Thảo cho biết.
Bảy năm trong nghề, Thảo dần tạo dựng được thương hiệu và rất nhiều khách hàng từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước liên hệ cô để đặt hàng. Đến nay, Thảo tự tin thực hiện hàng trăm tác phẩm đất sét mini, giá các món đồ từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, mang đến cho cô thu nhập ổn định hằng tháng.
Để thêm nhiều khách hàng biết đến, Phạm Thùy Thanh Thảo luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu cách làm marketing, quảng bá sản phẩm. Cô mở Fanpage trên Facebook có tên Minitoy, thu hút hàng nghìn người theo dõi trên khắp cả nước. Thảo cũng thường xuyên đưa các sản phẩm đến các hội chợ, triển lãm để quảng bá. Tết Nguyên đán vừa qua, bộ sản phẩm Tết cổ truyền Việt Nam của Thảo được khách hàng đánh giá rất cao. Qua bàn tay Thảo, đã tái hiện một không khí tết đậm chất miền Tây. Từ cành mai, tranh khảm trai sơn mài, hũ kiệu, hộp mứt, bánh tai heo… đều được làm thủ công, chỉn chu từng tiểu tiết.
Một kỷ niệm trong nghề, có một khách hàng bị ung thư giai đoạn cuối liên hệ với cô, đặt nặn những đồ vật, các món ăn ngày xưa. Biết thời gian của vị khách không còn nhiều, Thảo đã miệt mài nặn ra những sản phẩm theo yêu cầu. “Mỗi khi gửi sản phẩm cho cô, cô đều rất xúc động. Bây giờ, cô khách hàng không còn nữa, nhưng em tin, phần nào những món đồ nhỏ của em đã góp phần giúp thời gian cuối của cô trở nên trọn vẹn hơn.
Câu chuyện về cô cũng là động lực để em thêm phấn đấu, sáng tạo và biến công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn. Thời gian tới, em sẽ mở một lớp dạy các bạn trẻ cách nặn sản phẩm tí hon bằng đất sét, cũng là cách quảng bá nghề này đến với nhiều người hơn”, Thanh Thảo cho biết.