Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng khóm rộng 10 ha của gia đình, ông Hồ Văn Oanh (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) nói rằng, cuộc sống hôm nay mà cứ ngỡ như một giấc mơ. Bởi ông không thể ngờ rằng, vùng đất một thời hoang hóa, nhiễm phèn nặng lại có thể “trở mình” vươn lên mạnh mẽ, cho ra cây trái xanh tươi. Ông Oanh kể, gia đình ông đến đây từ trước năm 1990 để khai hoang. Thứ cây trồng mà ông Oanh và những người đi kinh tế mới thuở đó nghĩ đến đầu tiên là cây lúa.
Những người dân tứ xứ đến khai hoang vùng đất nhiễm phèn ở huyện Tân Phước trồng thử nghiệm cây lúa nước, chủ yếu để có hạt gạo ăn. “Nhưng cây lúa không thích hợp với thổ nhưỡng của đất phèn cho nên thất bại. Sau đó, người dân chuyển sang trồng tràm để bán làm cừ. Mặc dù thích hợp với vùng đất nhưng hiệu quả kinh tế của cây tràm không cao. Được sự hướng dẫn của Nhà nước, nông dân đã chuyển đổi sang trồng khóm và bám trụ với vùng đất này cho đến hôm nay”, ông Oanh nhớ lại.
Sau một thời gian chuyển đổi sang trồng khóm, gia đình ông Oanh cùng người dân mở rộng diện tích và “ăn nên làm ra” từ cây khóm. “Ban đầu vào khai khẩn, gia đình chỉ có khoảng vài héc-ta đất. Đeo bám cây khóm gần 20 năm, chúng tôi đã mua được 10 ha đất trồng khóm. Sau khi trừ chi phí, hằng năm, gia đình thu lợi hơn 700 triệu đồng. Nhà cửa được xây dựng khang trang, các con được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định đều từ cây khóm”, ông Oanh cho biết thêm.
Cũng giống như gia đình ông Oanh, năm 1994, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đến xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước lập nghiệp. Ngồi trong căn nhà khang trang, ông Mạnh nhớ lại, cách đây 30 năm, hưởng ứng chủ trương di dân vào khai phá Đồng Tháp Mười của Đảng và Nhà nước, gia đình ông rời bỏ quê hương vào lập nghiệp tại vùng đất này. Những năm đó, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa, thiếu thốn mọi mặt. Ông Mạnh vừa khai hoang, vừa trồng 3 ha lúa để thử nghiệm.
Tuy vậy, vụ lúa đầu tiên đã bị thất bại do đất phèn quá nặng. Sau khi cải tạo đất trồng lúa thành đất vườn, ông quyết định chuyển sang trồng khóm. Thế nhưng, cây khóm cũng không mang lại hiệu quả do chưa có đê bao ngăn lũ bảo vệ cho nên toàn bộ diện tích bị thiệt hại.
Năm 2002, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư mạng lưới thủy lợi, kênh mương dẫn nước tưới, tiêu; cải tạo đất đai, hoàn thiện đê bao ngăn lũ kết hợp với phát triển hệ thống giao thông mở ra triển vọng khai thác tốt tiềm năng kinh tế vùng Đồng Tháp Mười. Ông Mạnh cùng với người dân mạnh dạn trồng lại cây khóm. Để trồng khóm thành công, ông Mạnh kiên trì theo đuổi các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, thất giá”. Thấy hiệu quả từ cây khóm mang lại, ngoài 3 ha đất nhà, ông Nguyễn Văn Mạnh còn thuê 7 ha đất của người dân để cải tạo và tiếp tục trồng khóm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, năm 1995, sau khi thành lập huyện Tân Phước, diện tích cây khóm chỉ có hơn 6.000 ha. Do khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất phèn, người dân đã tiếp tục khai hoang, phục hóa để trồng cây khóm. Từ đó, diện tích tăng lên hằng năm, đến nay, toàn huyện đã có hơn 16.000 ha.
Bên cạnh việc khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích sản xuất, công tác chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào canh tác của ngành chuyên môn, cộng với kinh nghiệm tích lũy của nông dân đã đưa năng suất của cây khóm từ 10 tấn/ha năm 1995 tăng lên hơn 25 tấn/ha. Sản lượng khóm hằng năm tăng lên đáng kể, từ 65.700 tấn năm 1995 tăng lên khoảng 300.000 tấn, tạo nên vùng nguyên liệu khóm rất lớn để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Trải qua 30 năm thành lập huyện, chính quyền và người dân địa phương đã trồng rất nhiều loại cây thử nghiệm trên vùng nhiễm phèn nặng của Đồng Tháp Mười nhưng cuối cùng chỉ trụ lại được 3 cây đó là: Khóm, khoai mỡ và cây lúa.
Để cây khóm thích nghi với vùng đất và sản xuất đạt hiệu quả, trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang và huyện Tân Phước đã đầu tư hệ thống đê bao khép kín để bảo vệ vùng khóm nguyên liệu của địa phương. Đến nay, toàn huyện Tân Phước đã hình thành được hơn 140 ô bao, với 750 km tuyến đê bao vững chắc, bảo vệ khóm trong mùa mưa bão. “Cây khóm đã góp phần rất lớn vào việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng hộ khá giàu trên địa bàn toàn huyện”, ông Trần Hoàng Phong khẳng định.