Bến tập kết bên dòng Chắc Băng

Kênh đào Chắc Băng dài khoảng 40 km như một “cây đòn gánh” giữa hai đầu là sông Cái Lớn ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và sông Trèm Trẹm ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Nơi đây từng là bến tập kết cán bộ, bộ đội miền nam ra bắc từ 70 năm trước…
Kênh xáng Chắc Băng, đoạn thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Kênh xáng Chắc Băng, đoạn thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Kênh Chắc Băng được hình thành từ thời chúa Nguyễn mở cõi về phương nam. Năm 1919, nhận thấy vị trí chiến lược của dòng thủy đạo này, thực dân Pháp tiến hành cải tạo, mở rộng và có tên gọi là kênh xáng Chắc Băng. Đây là tuyến thủy đạo huyết mạch nối liền giữa hai vùng U Minh Hạ (Cà Mau) và U Minh Thượng (Kiên Giang). Xuôi về Cà Mau qua giữa Thới Bình thôn thơ mộng, dòng Chắc Băng kết thúc ở ngã ba Cái Tàu, điểm khởi đầu của dòng sông Cái Tàu xuyên qua lòng U Minh Hạ và sông Ông Đốc chảy về biển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trí Phải (huyện Thới Bình) Phạm Văn Diễn cho hay, dòng kênh Chắc Băng không chỉ mang đậm nét văn hóa “trên bến, dưới thuyền” lâu đời của miệt sông nước Cà Mau-Kiên Giang mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có sự kiện cán bộ miền nam ra bắc tập kết 70 năm trước.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, dòng Chắc Băng được Trung ương chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày đêm để đưa cán bộ miền nam ra miền bắc. Khi ấy, vùng Trí Phải ven kênh xáng Chắc Băng là bến chuyển quân lớn tại Cà Mau.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, tại Chắc Băng, thời điểm đó, cứ khoảng 7-10 ngày có một chuyến chuyển quân ra các tàu lớn của Ba Lan, Liên Xô đang đợi sẵn ở bờ sông Ông Ðốc, nay thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Khu vực kênh xáng Chắc Băng ngày ấy, ta xây dựng bến tàu dã chiến, một khu lán trại lớn cho lực lượng tập kết. Trong thời gian chờ đợi, người dân vùng Trí Phải niềm nở đón tiếp lực lượng tập kết và thân quyến trong tình đồng chí, đồng bào ruột thịt.

Lần theo địa chỉ do chính quyền địa phương cung cấp, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Mang (63 tuổi), nhà ở ấp 10, xã Trí Phải, là con cụ Năm Mênh (Nguyễn Văn Mênh), người đã thịt trâu thết đãi bộ đội thời điểm tập kết. “Tôi từng nghe cha tôi kể lại chuyện mổ trâu. Thời điểm ấy, nhà tôi cũng không khá giả gì nhưng vì thương bộ đội, mừng vui đất nước hòa bình cho nên cha tôi mua trâu về làm tiệc đãi”, bà Mang thuật lại.

Theo lời cụ Huỳnh Uy Nghiêm (89 tuổi) ở Phường 2, thành phố Cà Mau, từng phụ trách công tác thiếu nhi thời tập kết, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau, dọc tuyến Chắc Băng xưa, hầu như nhà nào cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho dòng người tập kết. Nhà thì giúp chỗ ở, người thì hỗ trợ nước nôi, củi lửa, cá mắm... Ban đêm, cán bộ, bộ đội đi hoạt động chưa về, có gì ngon bà con chờ về ăn, tình cảm thân thiết lắm.

Tại Chắc Băng vẫn còn nhắc lại chuyện cây vú sữa miền nam của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải) gửi tặng Bác Hồ. Ông Lê Thanh Hùng, cháu nội của má Lê Thị Sảnh kể: “Cây vú sữa đó bà nội tôi đặt trong cái bình tích uống trà bị sứt vòi, nhắn gởi tha thiết với người nhận là chỉ huy Ðại đội 370 Pháo binh, Tiểu đoàn 307: Ra ngoài đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền bắc”.

Cây vú sữa của má Sảnh sau này trở thành biểu tượng thiêng liêng của tấm lòng, tình cảm của nhân dân miền nam đối với Bác Hồ. Năm 1995, cây vú sữa của bà má miền nam năm nào được Bác Hồ nhận và trồng đã được chiết nhánh, đem về trồng, chăm sóc tại Phủ thờ Bác Hồ tại xã Trí Lực đến tận ngày nay. Sắp tới, xã Trí Phải sẽ xây dựng tuyến đường trồng toàn cây vú sữa như một cách để lưu giữ, tái hiện những câu chuyện đẹp của lịch sử quê hương...

Trên dòng kênh Chắc Băng ngày nay, ngoài tàu, thuyền chở nông, lâm sản, còn có chiếc tàu sắt to lớn vận chuyển vật tư, đá, cát… làm đường cao tốc. Dọc hai bờ kênh là những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, đường giao thông thông suốt.

Những đổi thay ấy, ngoài nỗ lực của người dân, một phần được Nhà nước đầu tư như một cách để tri ân đối với nhân dân khu vực từng chở che, đùm bọc cán bộ, bộ đội, trong đó, có nhiều đồng chí sau này là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dọc bờ kênh Chắc Băng hiện có ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở mang tên Võ Văn Kiệt.

Nhiều cụ ông, cụ bà còn rỉ tai chuyện lão nông Sáu Quân bên bờ kênh Chắc Băng, đoạn thuộc xã Trí Phải, đã đầu tư hai tỷ đồng xây cầu bắc ngang kênh giúp bà con vào Phủ thờ viếng Bác Hồ…

Dòng Chắc Băng vẫn ngày đêm đưa nước phục vụ sản xuất, hòa quyện giữa “mặn” và “ngọt” để hình thành mô hình tôm-lúa phát triển bền vững theo hướng thuận thiên, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và cho cả người tiêu dùng nông sản sạch trong và ngoài nước...