Tượng đài Bác Hồ ở “đảo ngọc”

Đến với thành phố Phú Quốc, được mệnh danh là “đảo ngọc” ở tỉnh Kiên Giang ngày nay, du khách không chỉ được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn có cơ hội được tham quan, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công trình Tượng đài Bác Hồ và Nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của Người mới được khánh thành.
Lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc.
Lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc.

Bà Lê Thị Nguyệt, quê gốc An Giang, định cư ở Australia, vừa về nước được hai tuần, đã nhất quyết chọn Phú Quốc là nơi du lịch cho nhiều người thân trong gia đình. Theo bà Nguyệt, ngoài nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức các đặc sản ở Phú Quốc, bà muốn đến tham quan trước hết là Tượng đài Bác Hồ và Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

“Tôi đã hơn 55 tuổi, định cư ở nước ngoài nhiều năm, nhưng lúc nào tôi cũng hướng về quê hương và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhất định đến Phú Quốc vừa để chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài Bác, vừa để tìm hiểu rõ hơn công lao của Người đối với dân tộc Việt Nam mình”, bà Nguyệt cho biết.

Còn chị Lê Như Thủy ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, dù đã nhiều lần ra Phú Quốc du lịch nhưng khi biết Tượng đài Bác Hồ mới hoàn thành nên vẫn quyết định quay lại “đảo ngọc” với mục đích chính là chụp ảnh lưu niệm bên cạnh Tượng đài Bác Hồ kính yêu. Công trình là niềm tự hào, sự tôn kính của người dân ở “đảo ngọc”.

Ông Lê Văn Nguyện ở khu phố 7, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc cho biết, chưa bao giờ ông và người dân Phú Quốc, nơi cực Tây Nam của Tổ quốc lại thấy tự hào như lúc này. Tượng đài Bác Hồ đặt ở đây làm cho người dân cảm thấy Bác gần gũi hơn, thân thương hơn. Hằng ngày, ông chứng kiến rất nhiều người đến đây chụp ảnh lưu niệm, nhớ về công ơn của Bác…

Tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc được khánh thành vào ngày 19/5 vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác. Công trình được xây dựng tại phường Dương Đông trong khuôn viên rộng 7,45 ha, nằm trong khu quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, chính trị, thương mại, dịch vụ, cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của Phú Quốc. Đây là nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân trên đảo và cũng là điểm tham quan, trải nghiệm mới cho du khách trong và ngoài nước khi đến “đảo ngọc”.

Trung tâm của quần thể Tượng đài Bác Hồ là bức tượng Bác do Nghệ sĩ Nhân dân, nhà điêu khắc Vương Duy Biên thực hiện. Với chủ đề “Miền nam trong trái tim tôi”, bằng ngôn ngữ điêu khắc đã tập trung khắc họa hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới nhưng hết sức giản dị, chan hòa, gần gũi. Tượng Bác Hồ với bàn tay phải đặt lên ngực trái thể hiện tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền nam qua câu nói “Miền nam trong trái tim tôi”.

Tượng đài Bác Hồ cao 20,7m, trong đó, thân tượng cao 18m, đế tượng cao 0,3m và bệ tượng cao 2,4m. Mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió thể hiện sự giản dị, gần gũi của Bác Hồ với người dân. Toàn bộ bức tượng toát lên thần thái của một vị lãnh tụ có tài thao lược, trí tuệ uyên thâm và đầy sức sống. Tượng đài hài hòa với không gian chung quanh và biển trời Phú Quốc…

Phía sau Tượng đài Bác Hồ là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63m, nơi cao nhất 10,8m, nằm trên bệ cao 1,2m, gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau. Mặt trước giới thiệu hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào nam. Mặt sau thể hiện hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang và các địa danh khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ, tỉnh Quảng Ninh đến quần đảo Thổ Chu, thành phố Phú Quốc.

Bên cạnh Tượng đài Bác Hồ là Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Bác với đồng bào, chiến sĩ miền nam và sự quan tâm của Người trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định: “Tượng đài Bác Hồ đặt ở thành phố Phú Quốc có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng của tỉnh Kiên Giang. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ luôn thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của công trình để nơi đây trở thành điểm đến của tất cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Phú Quốc, Kiên Giang, đến với Việt Nam…”