Gìn giữ văn hóa lúa nước

Khu vực trình diễn văn hóa lúa nước được thiết kế như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Người dùng phảng phát cỏ lát hoang, dùng trâu cày ruộng, giở đất, tát nước bằng gàu sòng; người cấy lúa, thu hoạch lúa bằng liềm rồi đập lúa trong bồ bằng mê tre. Quá trình đi mở cõi đất Phương Nam được tái hiện sinh động, như nhắc nhớ công ơn các bậc tiền nhân.
Tát nước bằng gàu sòng.
Tát nước bằng gàu sòng.

Cứ vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, nhiều đoàn khách du lịch, sinh viên, học sinh các trường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả Thành phố Hồ Chí Minh đều đổ về Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Nằm giữa vùng quê yên ả, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam có diện tích 30 ha, nổi lên như một biểu trưng kiến trúc nghệ thuật của vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng. Các công trình nhà rường với kỹ thuật xây dựng lắp ráp “ăn mộng âm-dương” kết hợp nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ đặc sắc. Dẫu các công trình xây dựng có quy mô lớn nhưng được phối trí hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, hòa quyện vào tổng thể của vùng sinh thái. Ngay từ khi bước vào cổng khu du lịch, con đường tre với ngọn cong vút thẳng tắp đôi bờ chào đón, rồi con đường nón lá được xác lập kỷ lục dài nhất Việt Nam níu chân lữ khách.

Bên cạnh ẩm thực đặc sản đồng quê ấn tượng, du khách còn được trải nghiệm, hòa mình vào các hoạt động vui chơi, giải trí. Một trong những sản phẩm du lịch độc đáo riêng có tại đây là show diễn tái hiện quang cảnh trồng lúa nước của ông cha thuở mang gươm đi mở cõi- “Văn hóa lúa nước”. Không chỉ được thưởng thức, xem toàn bộ quá trình, các công đoạn trồng lúa, từ phát hoang, cày đất, cấy lúa, đến thu hoạch, đốt đồng…, du khách còn được trực tiếp cầm dây giựt gàu sòng tát nước hay xắn quần lội ruộng, cầm roi dí, thá khiển đôi trâu đi cày đất, làm đồng. Show diễn “Văn hóa lúa nước” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách là vì sự chân thật chứ không hề diễn. Quy trình một show diễn tái hiện “Văn hóa lúa nước” tại đây kéo dài hơn một tiếng rưỡi, với hơn mười “diễn viên” và gần 10 công đoạn lao động được tái hiện. Những người tham gia các hoạt động trồng lúa tại đây đều là nông dân chính hiệu tại địa phương nên mọi việc đồng áng thuần thạo và chân thật.

Khi du khách tập trung ổn định tại khu vực khán đài phía trên cánh đồng “thu nhỏ”, người dẫn chương trình giới thiệu sơ lược và thứ tự các công đoạn lao động của show diễn “Văn hóa lúa nước” thì quang cảnh lao động tất bật trên đồng cũng bắt đầu. Đầu tiên là công đoạn khẩn hoang, khai phá với một người đàn ông mặc bộ bà ba nâu, đội nón lá, trên tay cầm chiếc phảng dài một thước (mét) và chiếc móc sắt vun vút tay phát cỏ lác. Đây là loại lác ba cạnh đặc trưng của vùng hoang hóa Đồng Tháp Mười khi xưa, được Khu du lịch Văn hóa Phương Nam đi sưu tầm, lấy giống về trồng trong khu vực trình diễn. Họ phân ra nhiều khu đất nhỏ để trồng nối tiếp nhau, để đám lác này vừa bị phát, bị chặt thì có đám lác khác kịp lớn để phục vụ trình diễn.

Sau đó, tất cả du khách tập trung về khu vực làm đồng, giở đất với đôi trâu và đôi bò kéo cày do hai người đàn ông cầm dây thừng và chiếc roi tre dí, thá. Là một trong hai người chuyên điều khiển trâu đi cày ruộng, giở đất, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, nhà cũng có nuôi trâu, cũng thường xuyên cày ruộng nên việc điều khiển trâu đi cày trong show diễn Văn hóa lúa nước với ông chẳng khó khăn gì. Ở phía sau, ông Nguyễn Văn Đức cũng thúc đôi bò đi bừa (san phẳng) phủ lên luống với đường cày phía trước của ông Tùng. Hai con nghé quấn quýt chạy theo sát trâu mẹ đang mang ách cày dưới ruộng nước. Sau một hồi cày biểu diễn, du khách có thể trực tiếp xuống đồng giao lưu, trải nghiệm việc cày bừa với sự hỗ trợ của các bác nông dân. Khu vực bên cạnh được xây dựng chiếc cầu tre để du khách có thể đi ra giữa “cánh đồng” quan sát cảnh tát nước gàu sòng, cấy lúa. Hai người đàn ông dùng tay nắm chặt dây thừng với chiếc gàu tre ở giữa rồi hô nhịp để cùng thả gàu, lấy nước, tát lên đồng. Kế đó, chị Đặng Kim Châu, miệt mài với những đường cấy lúa thẳng tắp của mình. Sau khi cấy hết hai bó mạ, chị Châu đứng lên lấy chiếc khăn rằn quệt mồ hôi rồi nở nụ cười: “Phân đoạn diễn của tui đã hết”.

Người dẫn chương trình duyên dáng “vượt thời gian” đưa du khách vừa xem cấy mạ, thoắt đã đến ngày thu hoạch lúa. Ở khu đất bên cạnh, hai người thợ gặt đang dùng liềm thoăn thoắt đôi tay gặt lúa và thu gom đến bên chiếc bồ đập bằng mê tre. Một bác nông dân trực sẵn làm nhiệm vụ đập những mớ lúa trên, lấy hạt… Chăm chú theo dõi tất cả các công đoạn lao động của “Văn hóa lúa nước” và trực tiếp trải nghiệm dí trâu đi cày ruộng, em Lê Thúy Hằng, sinh viên Trường đại học Cần Thơ nói rằng: “Em được trải nghiệm quá nhiều cảm xúc. Sinh ra ở thành phố, em hoàn toàn xa lạ với đồng ruộng. Nhờ tái hiện quang cảnh lao động này, em mới biết “ông cha” đã vất vả như thế nào, đổ bao nhiêu mồ hôi mới có hạt lúa, chén cơm”. “Được xem tái hiện quang cảnh lao động trên đồng ruộng rất chân thật này, người trẻ như em mới thấu hiểu và chia sẻ nỗi nhọc nhằn của người nông dân hơn. Mặc dù hôm nay, ngành nông nghiệp đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, nông dân đỡ phần vất vả hơn xưa, nhưng người trẻ hôm nay cần phải biết về nền văn hóa lúa nước được các bậc tiền nhân khai mở gian nan như thế nào”, sinh viên Trần Hoài Nam chia sẻ.

Giám đốc Khu du lịch Văn hóa Phương Nam Lê Ngọc Vũ cho biết, show diễn “Văn hóa lúa nước” diễn ra vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Các “diễn viên” là nông dân sinh sống, lao động ngay cạnh khu du lịch. Từ khi giới thiệu và đi vào hoạt động đến nay, show diễn “Văn hóa lúa nước” thu hút sự quan tâm của du khách khắp mọi miền đất nước đến tham quan, trải nghiệm; trong đó có cả du khách nước ngoài. Họ rất thích thú khi được tìm hiểu về cội nguồn văn hóa vùng đất Phương Nam của Việt Nam. “Định hướng của Khu du lịch là các hoạt động văn hóa nên show diễn “Văn hóa lúa nước” cũng nhằm mục đích gìn giữ, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam với du khách và bạn bè quốc tế”, ông Lê Ngọc Vũ nói ■