Độc đáo bánh kà tum

Tỉnh An Giang có nhiều nghệ nhân làm bánh dân gian mang nét độc đáo riêng, trong đó có bánh kà tum. Đây là món bánh đặc sản nổi tiếng của đồng bào Khmer, thường được làm trong các ngày lễ hội, tết cổ truyền như Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Dolta, lễ hội Óoc Om Bóc…
Bà Néang Phương (bên phải) dạy phụ nữ Khmer cách làm bánh kà tum.
Bà Néang Phương (bên phải) dạy phụ nữ Khmer cách làm bánh kà tum.

Bà Néang Sóc Senl, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết, bánh kà tum tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc sẽ đến với các gia đình.

“Kà tum” trong tiếng Khmer còn đọc là “ka-tom” có nghĩa là “quả lựu” hoặc là “gói kín chung quanh”. Bánh có kích thước nhỏ, hơi vuông, tròn, vỏ bánh có hình dáng gần giống như quả lựu. Các thợ bánh dùng lá thốt nốt non gói bánh và lớp vỏ bánh được đan một cách cầu kỳ, tỉ mỉ, nhìn rất đẹp.

Tại xã Ô Lâm, bà Néang Phương là nghệ nhân làm bánh kà tum nổi tiếng với hơn 44 năm tuổi nghề.

Tại lễ hội “Bánh dân gian Nam Bộ năm 2017” tổ chức ở thành phố Cần Thơ, bà Néang Phương đã trình diễn cách làm vỏ bánh, cách gói bánh kà tum. Đôi tay khéo léo đan, thắt vỏ bánh của bà làm cho người xem thích thú và sản phẩm đã được trao Huy chương vàng của lễ hội.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức “Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024”, bà Néang Phương lại trổ tài gói bánh kà tum. Rất nhiều phụ nữ, các cô gái trẻ say mê theo dõi đôi tay thoăn thoắt như đang múa của bà khi cầm lá thốt nốt xuyên qua, thắt lại tạo vỏ bánh.

Khi vỏ bánh thành hình, bà Néang Phương chừa một lỗ nhỏ để đưa nguyên liệu làm bánh vào phía trong, sau đó thắt mạnh lại. Thế là xong một chiếc bánh kà tum. Bánh gói xong được nấu trong nước sôi, mùi lá thốt nốt hòa quyện với mùi nếp chín tới tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn.

Cảm thấy thích thú, nhiều cô gái trẻ đề nghị bà Néang Phương trình diễn lại cách tạo vỏ bánh kà tum, bà vui vẻ cầm tay các cô gái chỉ dẫn tận tình từng chi tiết…

Theo bà Néang Phương, từ lúc còn nhỏ, bà đã học làm bánh kà tum từ mẹ và kỳ công nhất vẫn là khâu tạo vỏ bánh: Học phải chú tâm, tỉ mỉ từng đường đan, thắt lá thốt nốt. Khi thạo tay, làm thành công, cầm trên tay vỏ bánh nhỏ xinh xinh, các thợ làm bánh đều cảm thấy “mát lòng” khi vượt qua công đoạn khó nhất để “chạm tay” vào nghề.

Bà Néang Phương cho biết thêm, nguyên liệu làm bánh gồm nếp, đậu trắng, dừa, đường và trộn thêm một số gia vị khác. Bà Néang Phương làm bánh kà tum bán quanh năm, giá bán một cái bánh là 5.000 đồng, một ngày bán hơn 100 bánh. Vào các ngày lễ, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, bà làm hàng nghìn cái bánh kà tum do nhu cầu tăng cao.

Bánh được bà Néang Phương làm công phu, rất đẹp, có mùi rất thơm cho nên “hút” khách. Nguyên liệu bánh không chất bảo quản. Chị Trần Thị Ngọc Giang ở phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, cho biết, bánh có vị beo béo, mằn mặn.

Khi có dịp về Ô Lâm, chị đều mua vài chục bánh để ăn và tặng người thân. Lúc đầu, nhìn vỏ bánh bọc kín mít, chị Giang không biết cách gỡ nên phải dùng kéo cắt vỏ. Sau này, khi đã quen, để thưởng thức cách ăn đúng cũng như cảm nhận tâm tình của người thợ bánh gởi gắm, chị từ từ tháo lớp vỏ, tìm được mối lá thốt nốt giấu khéo léo dưới vỏ bánh để lần theo.

Chính sự cầu kỳ trong cách làm vỏ bánh và cách thưởng thức khiến cho món bánh này “kén” chọn người làm hơn các loại bánh khác. Số người làm được món bánh có hình trái lựu này hiện chỉ phổ biến tại xã Ô Lâm.

Với mong muốn lưu truyền, gìn giữ và phát huy giá trị món ăn dân tộc Khmer, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ô Lâm đã xây dựng mô hình tổ hợp tác làm bánh kà tum do bà Néang Phương truyền nghề với mục tiêu phát triển món đặc sản ẩm thực Khmer, hướng đến phục vụ rộng rãi khách hàng trong và ngoài tỉnh tại các điểm, khu du lịch.

Mô hình sẽ giúp chị em phụ nữ có được việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình; qua đó nâng cao vai trò của hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer và của chính quyền xã Ô Lâm trong việc quản lý, phát triển kinh tế gia đình, củng cố tình đoàn kết cộng đồng…